Trong quá trình xây dựng và phát triển, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Bình Phước rất chú trọng thu hút thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tham gia kinh tế nông nghiệp hữu cơ bền vững. Những mục tiêu cơ bản, then chốt, hướng đến cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống, phát triển nền nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường đã được các HTX quan tâm và kết quả bước đầu mang lại rất thiết thực.
Nền tảng lâu dài
HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Xanh, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng đã thu hút thành công đồng bào DTTS tham gia HTX. Hiện HTX có 250 thành viên, diện tích vườn cây 820 ha và vẫn tiếp tục tăng.
Cách đây 3 năm, HTX thuê đơn vị Control Union đánh giá, cấp chứng nhận cho 140 hộ dân với 500 ha điều đạt tiêu chuẩn hữu cơ của USDA/EU/JAS. Từ đó, HTX đã ký kết bán khoảng 1.900 tấn điều hữu cơ cho Công ty Organics More, mang lại lợi nhuận cho các thành viên hơn 2,8 tỷ đồng. Quy trình sản xuất, chế biến hạt điều theo chuẩn hữu cơ luôn được HTX ưu tiên hàng đầu. HTX đã xây dựng hồ sơ dự án, phối hợp Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây điều (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước hỗ trợ phân hữu cơ và cây điều giống cho các thành viên để đạt chứng nhận hữu cơ.
Sản phẩm chủ lực được HTX đưa ra thị trường là hạt điều rang muối truyền thống. Triển khai từ cuối tháng 6-2021 và không lâu sau đó, sản phẩm đã được chứng nhận OCOP 3 sao. Bình quân mỗi tháng, HTX sản xuất, đưa đến người tiêu dùng hơn 1 tấn hạt điều nhân thành phẩm.
HTX nông nghiệp điều hữu cơ Trảng cỏ Bù Lạch, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng thành lập cách đây chưa lâu đã thu hút 105 thành viên, trong đó hơn 90% là đồng bào S’tiêng và M’nông tham gia. 1.000 ha điều đã được các thành viên đưa vào HTX để canh tác theo hướng hữu cơ bền vững. Cây điều là thế mạnh và là cây trồng chủ lực của xã Đồng Nai với tổng diện tích hơn 3.000 ha. Xã Đồng Nai có 2 HTX nông nghiệp hữu cơ, chuyên canh tác cây điều với tổng diện tích 2.000 ha đang hoạt động hiệu quả. Năng suất điều đạt bình quân 2 tấn/ha với sản lượng khoảng 2.400 tấn/năm. 2 HTX đã từng bước xây dựng chuỗi liên kết, có đối tác bao tiêu sản phẩm.
Cũng như nhiều mô hình HTX khác trong tỉnh, quá trình hoạt động, sản xuất, HTX nông nghiệp điều hữu cơ Trảng cỏ Bù Lạch và HTX hữu cơ Đồng Nai luôn có sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của Liên minh HTX tỉnh và HTX thương mại, dịch vụ Bom Bo Bình Phước. Kết quả bước đầu đạt được thiết thực, ý nghĩa nhất đối với 2 HTX là lợi ích kết nối cộng đồng và từng bước ổn định, nâng cao thu nhập cho người trồng điều tại địa phương.
Canh tác lúa hữu cơ
Mô hình liên kết trồng lúa ST24 hữu cơ giữa HTX thương mại, dịch vụ Bom Bo Bình Phước với HTX lúa gạo chất lượng xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh được Liên minh HTX tỉnh Bình Phước chọn thực hiện thí điểm nhằm nhân rộng ra toàn tỉnh. Bước đầu mô hình thu hút 2 hộ tham gia, mỗi hộ 1 ha. Kết thúc vụ lúa, năng suất đạt bình quân từ 3,8-4,5 tấn/ha/vụ. Chi phí đầu tư, công chăm sóc 25 triệu đồng/ha/vụ. Doanh thu lúa tươi, rơm đạt hơn 41 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận hơn 13 triệu đồng/ha/vụ.
Trong khi đó, mô hình trồng lúa ST24 theo hướng hữu cơ có 16 hộ tham gia với diện tích 10,47 ha, năng suất trung bình từ 5-5,5 tấn/ha/vụ. Chi phí đầu tư, công chăm sóc 22,6 triệu đồng/ha/vụ. Doanh thu lúa tươi, rơm đạt 39 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận hơn 13 triệu đồng/ha/vụ.
Qua thực tế canh tác, kết quả mùa vụ cũng như phân tích, đánh giá của Liên minh HTX tỉnh và các cấp chính quyền, ban, ngành liên quan tại địa phương, mô hình thí điểm đã đạt mục tiêu ở cả 3 mặt: hiệu quả kinh tế, xã hội, tác động tích cực đến môi trường. Người dân đã làm theo mô hình, biết tiếp thu, áp dụng kỹ thuật mới vào chăm sóc cây lúa, đầu ra được bao tiêu ổn định với giá cao. Tổng chi phí đầu tư mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ thấp, năng suất tốt nhờ số hạt chắc cao hơn. Mô hình đã hướng dẫn nông dân sản xuất lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn, được thị trường ưa chuộng; đảm bảo canh tác cây lúa theo hướng bền vững, lâu dài.
Từ kết quả đạt được bước đầu, đồng thời tận dụng lợi thế sẵn có từ hệ thống thủy lợi được Nhà nước đầu tư đã mở ra hướng canh tác lúa hữu cơ bền vững không chỉ xã Lộc Khánh mà còn là cơ sở, tiền đề để Liên minh HTX tỉnh nhân rộng mô hình ra các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Trong đó có thể kể đến những cánh đồng lúa như An Khương, Đăng Hà, Bình Thắng, Phú Nghĩa… Qua đó góp phần tăng thu nhập cho người trồng lúa, cải tạo đất, bảo vệ môi trường sinh thái, giúp nông dân sống khỏe nhờ cây lúa trong thời gian tới.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 226 HTX, thu hút hơn 12.000 thành viên tham gia với tổng vốn điều lệ hơn 1.326 tỷ đồng, chiếm phần lớn là HTX nông, lâm nghiệp. Thời gian hoạt động của các HTX chưa nhiều và mới chỉ có 80/196 HTX nông nghiệp hoạt động thực sự hiệu quả. Thế nhưng, các HTX luôn quan tâm xây dựng mô hình HTX kiểu mới. Quá trình sản xuất, kinh doanh của các HTX đã gắn với chuỗi giá trị phát triển sản phẩm bền vững với nhiều mức độ khác nhau tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, xã xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Các HTX chú trọng thu hút thành viên là đồng bào DTTS tham gia, xây dựng, phát triển kinh tế nông nghiệp hữu cơ bền vững. Những mục tiêu cơ bản, then chốt nhằm cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống, phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với bảo vệ môi trường sống đã được các HTX chú trọng, hiện thực hóa. Đây cũng là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng, có tính xuyên suốt, kế thừa được cả hệ thống chính trị tỉnh Bình Phước quan tâm thực hiện nhằm rút ngắn khoảng cách chênh lệch về đời sống vật chất, tinh thần của người dân thành thị với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.