Sáng 17/8, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đồng chủ trì buổi làm việc và ký kết Kế hoạch hành động triển khai công tác ngoại giao kinh tế đóng góp thúc đẩy phát triển ngành Nông nghiệp giai đoạn 2023-2026.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chúc mừng và đánh giá cao những thành tựu, đóng góp của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời gian qua đối với phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Nông nghiệp thực sự là trụ đỡ của nền kinh tế, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng chung của nền kinh tế; là nền tảng thiết yếu trong bảo đảm an sinh xã hội; thế mạnh hàng đầu trong hợp tác quốc tế và hoạt động đối ngoại của Việt Nam.
Nông nghiệp đóng góp quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế với những kết quả hết sức ấn tượng trong năm 2022. Theo đó, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11 điểm phần trăm vào tốc độ tăng thêm của nền kinh tế, đóng góp thiết thực vào mức tăng trưởng cao 8,08% của GDP; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại đạt trên 8,5 tỷ USD, chiếm gần 76% xuất siêu của cả nền kinh tế, qua đó tạo nền tảng để phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Bên cạnh đó, nông nghiệp góp phần nâng cao đời sống nhân dân, đóng vai trò nền tảng trong giữ vững an ninh lương thực, ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội trong nước, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới thời gian qua gặp khủng hoảng an ninh lương thực, dẫn đến các khó khăn, bất ổn về chính trị – xã hội. Nông nghiệp Việt Nam cũng đóng góp nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam. Từ một nước kém phát triển về nông nghiệp, phải nhập khẩu lương thực, Việt Nam đã trở thành một trong những cường quốc hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản; là hình mẫu về bảo đảm an ninh lương thực.
Trong các tiếp xúc song phương và gặp gỡ bên lề các hội nghị đa phương với Lãnh đạo Việt Nam, các nước đều bày tỏ ấn tượng, đánh giá cao kinh nghiệm của Việt Nam về phát triển nông nghiệp, cũng như vai trò quan trọng của Việt Nam trong chuỗi sản xuất và cung ứng lương thực toàn cầu và khu vực.
Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng và thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết thời gian qua, Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam đã rất chú trọng, tích cực đồng hành cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong xúc tiến, thúc đẩy mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam; kết nối hợp tác quốc tế và thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; hỗ trợ ngành nông nghiệp hội nhập quốc tế và phát huy, nâng cao vai trò trong các cơ chế hợp tác đa phương.
Trong thời gian tới, từ dự báo bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh việc đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế hỗ trợ ngành Nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết, góp phần thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, phục vụ mục tiêu duy trì tăng trưởng của nền kinh tế, góp phần thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị các đơn vị của hai Bộ tập trung triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm nêu tại Kế hoạch hành động, trong đó đặc biệt quan tâm phối hợp chặt chẽ, tham mưu, lồng ghép để đưa nội dung hợp tác kinh tế nói chung và hợp tác nông nghiệp trở thành một trong những trọng tâm trong các tiếp xúc, trao đổi của Lãnh đạo Cấp cao với các đối tác; thúc đẩy ký kết các thỏa thuận hợp tác cụ thể, mang tính đột phá trong các chuyến thăm.
Các đơn vị chức năng hai Bộ tăng cường thông tin thị trường, nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá với chiến lược bài bản, dài hạn nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh tham mưu, thu hút các nguồn lực cả trong hợp tác song phương và đa phương phục vụ quá trình chuyển đổi nông nghiệp, thích ứng với các xu thế, yêu cầu, quy định mới về phát triển xanh, bền vững, nhất là về vốn đầu tư, công nghệ, kinh nghiệm quản trị…
Cảm ơn ngành Ngoại giao thời gian qua đã có những hỗ trợ kịp thời, giúp “chắp cánh” cho nông sản Việt bay xa, mang theo hình ảnh đất nước, người nông dân Việt Nam đến nhiều thị trường, bạn bè trên thế giới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định: muốn đi xa thì phải đi cùng nhau và muốn nông sản Việt đi xa thì phải gắn kết với ngành Ngoại giao.
Trên tinh thần đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ mong muốn ngành Ngoại giao, trong đó đặc biệt là các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục đồng hành với ngành Nông nghiệp vượt qua những thách thức, nắm bắt kịp thời những cơ hội, thông tin thị trường thế giới để không ngừng nâng cao chất lượng, đưa nông sản Việt đến nhiều thị trường hơn nữa.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài không chỉ là một kênh tiếp thị nông sản trong nước ra quốc tế mà còn là kênh thông tin tin cậy, hiệu quả trong việc cung cấp kịp thời cho ngành Nông nghiệp những mô hình sản xuất, các thành tựu khoa học công nghệ nông nghiệp tiên tiến trên thế giới, để từ đó những thay đổi chính sách chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống trong nước sang hiện đại, nâng cao năng lực công nghệ sản xuất, chất lượng nông sản.
Tại buổi làm việc, các đơn vị chức năng của hai Bộ đã đóng góp thêm ý kiến, trao đổi cụ thể và đề xuất các biện pháp cụ thể để nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp công tác giữa hai Bộ trong thời gian tới.
Sau buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã ký kết Kế hoạch hành động triển khai công tác Ngoại giao kinh tế đóng góp thúc đẩy phát triển ngành Nông nghiệp giai đoạn 2023-2026. Kế hoạch hành động mở ra một giai đoạn mới trong công tác phối hợp giữa hai Bộ, đáp ứng các yêu cầu và mục tiêu của ngành Nông nghiệp trong bối cảnh mới hiện nay.