Việc Việt Nam cấp e-visa cho tất cả các nước giúp ngành du lịch tăng vị thế cạnh tranh nhưng cũng cần nhanh chóng tìm cách giữ chân khách ở lại lâu hơn, theo chuyên gia.
Từ 15/8, Việt Nam cấp thị thực điện tử (e-visa) cho công dân tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ, thời hạn e-visa được nâng từ 30 lên 90 ngày. Bên cạnh đó, chính phủ kéo dài thời hạn tạm trú từ 15 lên 45 ngày với công dân 13 nước Việt Nam đơn phương miễn thị thực. Trước đó, Việt Nam cấp e-visa cho công dân từ 80 điểm đến.
“Ngành du lịch đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ trong việc thúc đẩy, hút khách quốc tế, đặc biệt là việc tổ chức các chương trình du lịch dài ngày”, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nói về lợi ích của các chính sách thị thực mới tại “Hội nghị phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững” sáng nay tại Hà Nội.
Theo ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Phát triển Du lịch châu Á, từ trước du lịch Việt luôn “tắc nghẽn ở khâu visa”, khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng. Việc nới lỏng hiện nay giúp ngành tháo gỡ được hai vấn đề chính: khách có đủ thời gian ở lại lâu hơn và đáp ứng nhu cầu khách đi sang nước thứ hai, thứ ba rồi vẫn quay lại Việt Nam trước khi về.
“Đây là cơ hội để chúng ta cân bằng giữa cung và cầu, cũng là cơ hội để Việt Nam đón nhận nhiều hơn các cơ hội đầu tư, phục hồi du lịch, kinh tế sau dịch”, ông Quỳnh nói.
Thống kê hoạt động du lịch 7 tháng đầu năm từ Cục Du lịch Quốc gia cho thấy Trung Quốc đứng thứ hai trong top 10 thị trường khách quốc tế lớn nhất đến Việt Nam, với gần 740.000 lượt trên tổng 6,6 triệu lượt. Tuy nhiên, khi khai thác thị trường khách Trung Quốc, Việt Nam vẫn phải cạnh tranh với đối thủ nặng ký như Thái Lan, Singapore, Philippines, theo Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Huỳnh Phan Phương Hoàng. Ba quốc gia này đều đã nâng thời hạn lưu trú cho khách du lịch từ 30 ngày trở lên, tạo cơ hội hút khách quốc tế trước đó.
“Việc thay đổi chính sách visa giúp du lịch Việt Nam tăng vị thế cạnh tranh so với nhiều đối thủ, đặc biệt là những chương trình liên tuyến Đông Dương”, bà Hoàng nói.
Cũng theo bà Hoàng, chính sách mới là yếu tố giúp doanh nghiệp phát triển các chương trình du lịch dài ngày cho khách quốc tế. Từ đó, khách dễ dàng tham quan theo tuyến du lịch nghỉ dưỡng hoặc xuyên Việt, kết nối tour ba nước Đông Dương (Việt Nam – Lào – Campuchia), giúp kéo dài thời gian lưu trú, tăng thu ngoại tệ. Chính sách visa mới còn là động lực với khách quốc tế muốn du lịch Việt Nam, đặc biệt là các thị trường xa như châu Âu, New Zealand – vốn mất nhiều thời gian trong việc di chuyển.
“Chính sách mới khiến chúng tôi phấn khởi vì đón được nhiều khách hơn nhưng cũng có nhiều trăn trở, lo lắng như làm sao để khách ở lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn, tăng sức hút để khách quay lại”, Giám đốc công ty du lịch Travelogy Việt Nam Vũ Văn Tuyên chia sẻ.
Ông Tuyên cho biết các doanh nghiệp đang đối mặt các khó khăn như: chiến dịch quảng bá điểm đến chưa thực sự hiệu quả, các tỉnh thành đều có sản phẩm du lịch na ná nhau, giá hành trình cao trong khi chuỗi cung ứng du lịch chưa thống nhất.
“Chúng ta có hơn 20 chợ đêm nổi tiếng tại Việt Nam nhưng chưa có chợ đêm nào tạo được thương hiệu hoặc ngang hàng với các chợ đêm khác tại các nước trong khu vực”, ông Tuyên nói.
Với kinh nghiệm 25 năm trong ngành và có cơ hội đến học hỏi cách làm du lịch nhiều quốc gia, ông Tuyên lại cho rằng giá không bao giờ là vấn đề cản trở du khách. “Khách muốn bỏ ra số tiền lớn nhưng họ không cảm thấy hài lòng với dịch vụ mà họ nhận lại”.
“Chúng ta nên gạt chuyện giá sang một bên”, theo ông Tuyên. Thay vào đó các địa phương cần tập trung tạo ra sản phẩm đặc thù, đặc sắc của vùng miền nhằm thu hút du khách.
Chính sách visa mới tạo điều kiện thuận lợi hơn để đón khách quốc tế nhưng các con số tăng trưởng “có thể không quá ấn tượng ngay trong năm nay” vì khách quốc tế, đặc biệt thị trường Âu – Mỹ thường đặt tour trước đó nửa năm. Dù vậy, theo bà Hoàng, Việt Nam có thể đón 10-11 triệu lượt khách trong năm nay và có thể kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ như trước dịch vào năm sau.
Tuy nhiên, để đạt được điều này, các công ty du lịch cũng cần phối hợp với các đối tác để thiết kế thêm chương trình du lịch mới, làm mới sản phẩm, tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, tiếp thị tới các thị trường nguồn. Du lịch Việt cũng cần đảm bảo chất lượng dịch vụ, nâng cao công tác quản lý điểm đến từ trung ương đến địa phương để đem lại cho khách du lịch những trải nghiệm đúng như mong muốn ban đầu của họ.
“Chúng ta còn rất nhiều việc để làm nếu muốn hút khách và nâng cao khả năng cạnh tranh”, Cục trưởng Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh nói.