Du lịch Quảng Ninh đã đi qua nửa chặng đường của năm 2023 với nhiều kết quả lạc quan, đáng khích lệ. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu đón 15 triệu khách cho cả năm, mùa thu – đông, ngành du lịch Quảng Ninh nói chung và các doanh nghiệp trong ngành sẽ phải đối mặt với khá nhiều thách thức, với nhiệm vụ khó khăn hơn để giữ nhiệt điểm đến và tăng cường thu hút khách.
Phóng viên Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh đã phỏng vấn ông Nguyễn Mạnh Toàn, Giám đốc Công ty CP Du lịch và Thương mại – Vinacomin (VCCT Travel), Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, về các giải pháp cần triển khai để tăng thu hút khách tới Quảng Ninh trong những tháng cuối năm. – Nửa đầu năm 2023, du lịch Quảng Ninh đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Theo ông, điều này có cho thấy sự phục hồi của các doanh nghiệp du lịch của tỉnh hay không? + 6 tháng đầu năm 2023, Quảng Ninh đón 8,86 triệu lượt khách, đạt 108% kịch bản, bằng 161% cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước vượt 16.000 tỷ đồng, đạt 100% kịch bản, bằng 156% cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 658.000 lượt, tăng gần 15 lần so với cùng kỳ năm 2022. |
Để đạt kết quả trên, Quảng Ninh đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch như: Tham gia Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2023, Tuần văn hóa du lịch và xúc tiến thương mại tại Lễ hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2023, Lễ khai mạc Tuần văn hóa du lịch Bắc Giang và Khai hội xuân Tây Yên Tử tại Bắc Giang năm 2023… Tỉnh cũng tổ chức Hội nghị phát triển du lịch Quảng Ninh năm 2023, Hội nghị tuyên truyền chuyển đổi số du lịch Quảng Ninh, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp kết nối, quảng bá và xúc tiến sản phẩm mới.
Những con số trên đã phần nào cho thấy sự khởi sắc của du lịch Quảng Ninh, tuy nhiên điều này không có nghĩa doanh nghiệp đã hồi phục hoàn toàn vì dư âm của dịch Covid-19 vẫn còn dai dẳng. Các doanh nghiệp đang vừa làm vừa trả nợ, những khó khăn về tài chính vẫn còn hiện hữu. Nhiều doanh nghiệp phải gồng mình để trang trải nợ với ngân hàng.
– Cao điểm du lịch của Quảng Ninh sắp khép lại. Để hoàn thành mục tiêu đón 15 triệu lượt khách cho cả năm 2023, trong 6 tháng cuối năm, Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh sẽ có những biện pháp gì để giữ nhiệt cho điểm đến Quảng Ninh?
+ Mục tiêu của du lịch Quảng Ninh trong 6 tháng cuối năm là phấn đấu đón thêm 8 triệu lượt khách. Đây là mục tiêu rất lớn, 6 tháng cuối năm sẽ có nhiều thách thức vì du lịch Quảng Ninh bước sang nửa cuối năm sẽ chịu ảnh hưởng lớn bởi tính mùa vụ. Chúng tôi dự đoán rằng, từ ngày 15/8, lượng khách du lịch nội địa đến với du lịch Quảng Ninh sẽ giảm và ảnh hưởng rất lớn tới công tác đón khách.
Mặt khác, năm 2023, Quảng Ninh đặt mục tiêu đón 2 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, với kết quả đón khách 6 tháng đầu năm cũng như với cách tiếp cận hiện nay thì lượng khách quốc tế đến với chúng ta sẽ không được như kỳ vọng. Chúng tôi đã đề xuất nhóm giải pháp để tăng thu hút khách tới du lịch Quảng Ninh trong nửa cuối năm 2023.
Trước hết chúng ta cần có một đợt quảng bá, truyền thông, khơi dậy tình yêu quê hương Quảng Ninh, vận động người Quảng Ninh gồm những người Quảng Ninh đang công tác tại tỉnh ngoài đi du lịch Quảng Ninh, trải nghiệm sản phẩm du lịch, dịch vụ của tỉnh. Điều này rất cần sự chỉ đạo của tỉnh vì khai thác khách không riêng gì ngành du lịch mà cần sự vào cuộc của các ngành, vận động các đối tượng từ học sinh đến công nhân, viên chức nên sử dụng các dịch vụ của Quảng Ninh.
Thứ hai, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến với thị trường khách nước ngoài. Trước mắt, Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh sẽ làm việc với các hiệp hội du lịch của Hàn Quốc để làm sao khai thác khách hai chiều.
Thứ ba, chúng tôi sẽ đề nghị với Sở Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch tổ chức các đoàn famtrip, mời các doanh nghiệp nước ngoài đến với Quảng Ninh để giới thiệu những điểm đến tại Quảng Ninh.
Thứ tư, với thị trường khách Trung Quốc, có thể lượng khách sẽ không bật tăng trở lại được như năm 2018-2019 song chúng tôi hy vọng đến cuối năm, thị trường khách Trung Quốc sẽ khởi sắc hơn. Chúng tôi đã đề nghị Sở Du lịch mời đại diện của đối tác Trung Quốc sang Quảng Ninh để Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh và các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi để thu hút khách giữa hai bên.
Thứ năm, chúng tôi cũng có kế hoạch làm việc, liên kết với hiệp hội du lịch các tỉnh ngoài. Chúng tôi đã có kế hoạch làm việc với các hiệp hội du lịch của 27 tỉnh phía Bắc để tiếp tục liên kết chặt chẽ, giới thiệu những điểm đến của Quảng Ninh, đặc biệt là những sản phẩm du lịch mới, để khách từ tỉnh ngoài khi đến với Quảng Ninh không phụ thuộc vào mùa vụ.
– Theo kế hoạch, năm 2023, Quảng Ninh cho ra mắt 38 sản phẩm du lịch mới. Việc đưa những sản phẩm này vào phục vụ du khách có giúp tăng khả năng sức hút của du lịch Quảng Ninh, đặc biệt là vào những tháng cuối năm hay không?
+ Việc đưa 38 sản phẩm mới vào phục vụ du khách trong năm 2023, tôi đánh giá là một điểm mới. Tôi cho rằng, đây sẽ là “xung lực” của du lịch Quảng Ninh. Ngoài những điểm đến, sản phẩm du lịch dịch vụ đã có sẵn, tỉnh Quảng Ninh đã cho chủ trương phát triển 38 sản phẩm du lịch trải dài trên tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó nhiều sản phẩm có thể khai thác vào giai đoạn sau cao điểm, vào mùa thu – đông và có thể sang một phần của mùa xuân.
Cụ thể, như sản phẩm du lịch khám phá đỉnh Phượng Hoàng (TP Uông Bí), du lịch văn hóa tại Pò Hèn (TP Móng Cái) hay Di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng (TX Quảng Yên)… Đặc biệt, các doanh nghiệp du lịch rất quan tâm tới việc đưa vào phục vụ du khách sản phẩm leo núi Bài Thơ. Đây sẽ là điểm nhấn, điểm hút khách nhất, góp phần kết nối tạo nên sản phẩm city tour mang tính chất lịch sử, văn hóa, độc đáo và tôi cho rằng đó là sản phẩm du lịch đặc thù mà lâu nay chúng ta chưa khai thác được. Đây chính là tiềm năng bỏ ngỏ của du lịch Hạ Long, đặc biệt là vào mùa thấp điểm.
Hiện nay, mùa cao điểm chúng ta đã tập trung vào du lịch trên Vịnh Hạ Long rồi. Vậy thì sang mùa thu – đông nếu chúng ta có thêm sản phẩm du lịch city tour khám phá thành phố di sản thì sẽ hấp dẫn du khách hơn.
Tôi cho rằng, 38 sản phẩm du lịch mới sẽ tạo tác động lớn, tuy nhiên để hoạt động có hiệu quả, chính quyền địa phương, quản lý điểm đến phải vào cuộc, thường xuyên có những giám sát để xây dựng môi trường du lịch lành mạnh, đồng thời cũng cần phối hợp với chủ đầu tư để đưa ra những chính sách, những hạng mục thực sự phù hợp.
– Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!