Đã từ lâu các nhà nghiên cứu lịch sử đặt câu hỏi, tại sao những sự kiện lịch sử lớn có tính bước ngoặt của dân tộc như Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 vẫn chưa có được một bộ phim điện ảnh xứng tầm…
“Phim Việt thực sự có nhiều món nợ với lịch sử”
Đã gần 50 năm trôi qua, “Sao tháng Tám” của đạo diễn Trần Đắc là tác phẩm điện ảnh duy nhất đề cập trực tiếp đến cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Phim do Xưởng phim truyện I (sau này là Hãng Phim truyện Việt Nam) sản xuất nhân kỷ niệm 30 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Bấm máy từ năm 1975, nhưng do điều kiện khó khăn, mãi đến năm 1976 bộ phim mới hoàn tất và phát hành.
Cuốn sách “Cách mạng Tháng Tám 1945 – thắng lợi vĩ đại đầu tiên của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX” của Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ghi chép, tái hiện lại cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc và đánh giá: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã làm nên một kỳ tích của dân tộc trong thế kỷ XX”.
Theo đó, Cách mạng Tháng Tám thành công, lật đổ ách thống trị của Nhật, đánh đổ chế độ quân chủ lỗi thời, giành quyền độc lập dân tộc, khôi phục nền thống nhất của đất nước, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa nhân dân lên vị trí người làm chủ đất nước – là mốc son chói lọi của lịch sử giữ nước và dựng nước của dân tộc.
Thế nhưng, sau gần 80 năm, cuộc cách mạng vĩ đại đặt nền móng cho sự ra đời lịch sử của ngày Quốc khánh 2.9 thống nhất đất nước vẫn chưa thể có được tác phẩm điện ảnh xứng tầm. Ngoài “Sao tháng Tám” được thực hiện trong bối cảnh khó khăn về nhân lực, vật lực, gần 80 năm sau, chỉ lác đác một hai phim làm về đề tài này ở hướng mở rộng như “Hà Nội mùa đông năm 46”, hay tác phẩm truyền hình “Sống mãi với Thủ đô”.
Đạo diễn – NSƯT Vương Đức khi được hỏi về những đề tài lịch sử trên phim đã từng nói, “Phim Việt thực sự có nhiều món nợ với lịch sử. Rất nhiều câu chuyện lịch sử bi hùng của dân tộc, những mốc son chói lọi trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp – Mỹ khiến thế giới phải ngả mũ, nhưng giới làm phim chúng tôi chưa thể chuyển tải được lên màn ảnh”.
Và những cái khó
Kinh phí hạn hẹp, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, kịch bản yếu… luôn là những câu trả lời được đưa ra khi đặt câu hỏi về phim lịch sử.
Những ngày này, khi câu trả lời liên quan đến nhân vật lịch sử của hoa hậu, á hậu phải đứng trong “tâm bão” tranh luận, một lần nữa, việc học sử, đưa lịch sử lên phim ảnh để đông đảo khán giả tiếp cận nhiều hơn với kiến thức lịch sử… lại tiếp tục được bàn luận.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, khi giới trẻ hời hợt, nông cạn với lịch sử, trách nhiệm thuộc về giáo dục, nhà trường và cả gia đình.
Khi hàng loạt học sinh bị 0 điểm môn Sử ở một kỳ thi, các nhà giáo dục đã tha thiết đề xuất Nhà nước hỗ trợ sản xuất phim lịch sử, để những câu chuyện lịch sử được truyền tải đến thế hệ học sinh, sinh viên ngày nay một cách sinh động hơn, cảm xúc hơn.
Thế nhưng, đi qua rất nhiều sự vụ gây chấn động dư luận, thời gian lại khiến tất cả những chấn động ấy chìm vào quên lãng. Món nợ với lịch sử của phim Việt vẫn còn đó.
Năm 2020, nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh từng ấp ủ kế hoạch sản xuất phim “Trưng Vương” xoay quanh cuộc khởi nghĩa “trả nợ nước, báo thù nhà” của Hai Bà Trưng, nhưng đến nay vẫn chưa thể ra mắt.
Gần nhất, đạo diễn Lương Đình Dũng tiết lộ bắt tay vào dự án phim lịch sử lấy đề tài về thảm án Lệ Chi Viên của gia tộc Nguyễn Trãi. Lương Đình Dũng cho biết: “Tôi rất tâm huyết với dự án này. Trong lịch sử dân tộc, hiếm ai tài giỏi như Nguyễn Trãi nhưng phải chịu án oan thảm khốc như ông. Nhưng để làm được, tôi cần rất nhiều thời gian để nghiên cứu, may phục trang, tìm bối cảnh, thuê tư vấn nước ngoài… Nếu thuận lợi, phim sẽ hoàn thiện vào cuối năm 2024”.
Những dự án phim cổ trang, huyền sử đã le lói xuất hiện, nhưng “món nợ” với lịch sử cận đại vẫn còn đó. Hai cuộc kháng chiến bi hùng chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, mà mỗi trang sử đều thấm đẫm máu hy sinh, thấm đẫm câu chuyện về lòng quả cảm, tinh thần quyết chiến quyết thắng, sẵn sàng ngã xuống vì độc lập tự do… của cha ông, vẫn chưa thể bước lên màn ảnh, chạm đến trái tim của hàng triệu khán giả hôm nay.