Nghệ sĩ bị bệnh, nghệ sĩ thành chuyên gia sức khỏe… – một số người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm kém chất lượng tràn lan khiến công chúng hoang mang.
Nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm tràn lan trên mạng
Ngày nay, khi bật máy tính, mở điện thoại, ở mọi lúc mọi nơi, người dùng đều có thể gặp các quảng cáo sản phẩm: từ mỹ phẩm, vật phẩm phong thủy đến các thực phẩm chức năng. Điều đáng nói là trong nhiều quảng cáo này có sự hiện diện của các nghệ sĩ, người nổi tiếng. Một số nghệ sĩ có lẽ phải được phong danh “nghệ sĩ nhiều truân chuyên, bất hạnh” bởi nay viêm khớp, mai thận hư, lúc tiểu đường, khi thì mất ngủ… Công chúng từ tin tưởng vào nghệ sĩ, chuyển sang hoang mang, nghi ngờ, thậm chí là tẩy chay, bởi đã nhận ra mình đặt niềm tin lầm chỗ.
Chỉ cần uống sữa mà công dụng như thuốc chữa bệnh xương khớp… – những lời quảng cáo như thế này vẫn tràn lan trên mạng xã hội. Và ưu đãi vô cùng hậu hĩnh như “Mua 3 tặng 1, mua 5 tặng 2…”.
Bà Nguyễn Kim Thanh, 68 tuổi (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) đang điều trị căn bệnh tiểu đường. Bà cùng rất nhiều bạn bè cũng đã từng vì nghe, vì tin vào những lời quảng cáo thái quá mà mua thực phẩm chức năng về dùng để điều trị bệnh.
Một người đẹp quảng cáo quá đà sản phẩm giảm cân trên trang cá nhân, một diễn viên quảng cáo sản phẩm triệt tiêu mọi u xơ không cần phẫu thuật, hay gây tranh cãi khi là đại diện của hàng chục nhãn hàng kem trộn… Sau khi bị phát hiện là quảng cáo thổi phồng, họ mới đăng bài xin lỗi.
Tiến sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh niên, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chia sẻ: “Khi họ tham gia nhận những show quảng cáo đó và họ hoàn toàn coi đó là một công việc mà công việc này, chúng ta hiểu rằng họ tạo sự tin tưởng cho người khác, bán niềm tin đó mà niềm tin đó lại không có cơ sở. Còn những người tiêu dùng mua những niềm tin đó. Dẫn đến rất nhiều nguy cơ khác nhau nên tôi nghĩ rằng cần phải có những quy định rất cụ thể và thậm chí có những hình thức xử phạt nữa”.
Kiếm tiền từ hoạt động quảng cáo dựa trên hình ảnh và thương hiệu cá nhân là hợp pháp. Nhưng không ít người nổi tiếng có thể vì thiếu hiểu biết, dễ dãi hay vì lợi ích trước mắt mà không kiểm chứng nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm đã vô tình tiếp tay cho những hành vi vi phạm pháp luật, lừa dối người tiêu dùng.
Cần quy định việc người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có tờ trình gửi Bộ Tư pháp thẩm định về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó đề xuất bổ sung quy định hoạt động của người có ảnh hưởng như nghệ sĩ, KOLs khi quảng cáo sản phẩm.
Trước đó, Bộ Y tế đã gửi văn bản yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là văn nghệ sĩ thổi phồng công dụng của những sản phẩm quảng cáo có tác dụng như thuốc nhưng không phải là thuốc.
Trước tình trạng nhiều nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm tràn lan trên mạng, không ít các đại biểu Quốc hội đã từng lên tiếng và cho rằng cần có quy định để chấn chỉnh và xử lý nghiêm. Đặc biệt với các sản phẩm liên quan trực tiếp tới sức khỏe của người sử dụng.
Ông Trần Hướng Dương – Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể Thao & Du Lịch cho biết: “Chúng ta đang ở trong một xã hội thượng tôn pháp luật và không ai đứng ngoài luật pháp. Do vậy, tôi cho rằng xử lý bằng luật pháp là điều tốt nhất. Ngoài ra cũng có những quy tắc ứng xử của nghệ sĩ mà Bộ VH-TT&DL đã ban hành, họ cũng nên đáp ứng như vậy, và nghệ sĩ phải biết lựa chọn, tìm được cái tốt để mình quảng cáo. Từ đó vừa đem lại lợi ích cho mình, đem lại lợi ích cho cộng đồng, chính là đem lại thu nhập cho chính họ”.
Những quy định mới được đưa ra hướng tới mục tiêu tăng thêm hiểu biết cho nghệ sĩ nói riêng và những người tham gia vào việc quảng cáo nói chung. Đặc biệt cụ thể hóa từng cá nhân, từng hành vi nếu vi phạm pháp luật.
Theo luật sư Trần Tuấn Anh, điều kiện tiên quyết để nghệ sĩ quảng cáo bất kỳ sản phẩm nào là phải tìm hiểu kỹ thông tin và thẩm định sản phẩm theo chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền.
Nếu đề xuất này được thông qua thì sẽ thể hiện được trách nhiệm của tất cả các bên: Nhà nước có trách nhiệm quản lý, doanh nghiệp có trách nhiệm đối với sản phẩm, các nghệ sĩ có trách nhiệm khi tham gia quảng cáo. Chỉ có như vậy mới tránh được những hệ lụy về sức khỏe, về kinh tế đối với người tiêu dùng.