Chiều 9/8, tại TX Đông Triều, UBND tỉnh Quảng Ninh và UBND tỉnh Hải Dương tổ chức hội nghị bàn giao, tiếp nhận các khu vực xâm canh, xâm cư giữa 2 địa phương tại địa bàn một số xã, phường thuộc TX Đông Triều (Quảng Ninh) và TP Chí Linh, TX Kinh Môn (Hải Dương). Các đồng chí: Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh và Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đồng chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo tại hội nghị, căn cứ bộ hồ sơ địa giới hành chính 364-CT đã được 2 tỉnh ký xác nhận năm 1993 và qua khảo sát thực địa, có 3 khu vực xảy ra tình trạng người dân xâm canh, xâm cư vượt tuyến địa giới hành chính giữa 2 tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương, gồm: Khu vực người dân thôn Trạm Lộ, xã Bạch Đằng, TX Kinh Môn (Hải Dương) xâm canh, xâm cư sang xã Nguyễn Huệ và xã Thủy An, TX Đông Triều (Quảng Ninh); khu vực người dân khu Kênh Giang, phường Văn Đức, TP Chí Linh (Hải Dương) xâm canh, xâm cư sang xã Nguyễn Huệ, TX Đông Triều (Quảng Ninh) và khu vực các hộ dân thôn Sơn Lộc, xã An Sinh, TX Đông Triều (Quảng Ninh) xâm canh, xâm cư sang phường Hoàng Tiến, TP Chí Linh (Hải Dương). Tổng diện tích đất xâm canh, xâm cư giữa 2 địa phương là hơn 188ha; quy mô dân cư là 338 hộ với 1.013 nhân khẩu.
Thực hiện Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 2/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính, từ năm 2016, các sở, ngành chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã chủ trì, phối hợp với phía tỉnh Hải Dương khảo sát hiện trạng, xây dựng phương án báo cáo cấp có thẩm quyền cho chủ trương, tổ chức nhiều buổi làm việc, hiệp thương giải quyết tình trạng xâm canh, xâm cư giữa 2 địa phương. Qua đó đi đến thống nhất phương án sắp xếp, bàn giao, tiếp nhận về dân cư, diện tích đất, tài sản công, đối tượng chính sách… giữa 2 tỉnh.
Cụ thể: Đường địa giới hành chính của hai tỉnh thực hiện theo bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính lập năm 1996 theo Chỉ thị số 364-CT ngày 6/11/1996 của Hội đồng Bộ trưởng đã được các địa phương từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh của tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Hải Dương ký xác nhận. Tỉnh Quảng Ninh nhận bàn giao từ tỉnh Hải Dương 2 khu vực xâm canh, xâm cư, gồm: xã Nguyễn Huệ và xã Thủy An, TX Đông Triều nhận bàn giao từ xã Bạch Đằng, TX Kinh Môn xóm Trại Chẹm, thôn Trạm Lộ với diện tích 40ha, 55 hộ, 162 nhân khẩu; xã Nguyễn Huệ, TX Đông Triều nhận bàn giao từ phường Văn Đức, TP Chí Linh khu Kênh Giang, phường Văn Đức với diện tích 36,03 ha, 189 hộ, 507 nhân khẩu. Tỉnh Hải Dương nhận bàn giao từ tỉnh Quảng Ninh 1 khu vực xâm canh, xâm cư gồm: Phường Hoàng Tiến, TP Chí Linh nhận bàn giao từ xã An Sinh, TX Đông Triều một phần thôn Sơn Lộc với diện tích 112,15 ha, 94 hộ, 344 nhân khẩu. UBND hai tỉnh thống nhất giao chính quyền các địa phương liên quan tiến hành bàn giao, tiếp nhận cụ thể các nội dung theo từng lĩnh vực, đảm bảo các khu vực được bàn giao, tiếp nhận hoạt động theo đơn vị hành chính mới kể từ ngày 10/8/2023.
Thay mặt lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, nhấn mạnh: Việc bàn giao, tiếp nhận các khu vực xâm canh, xâm cư giữa tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Hải Dương là việc cần thiết để ổn định địa giới hành chính, ổn định tình hình KT-XH, văn hóa, ANTT và thúc đẩy liên kết giữa 2 địa phương. Tuy nhiên, mục tiêu cao nhất vẫn là ổn định tâm lý, tình cảm, cuộc sống, thực sự mang lại hạnh phúc cho nhân dân các khu vực được bàn giao, tiếp nhận.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các sở, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ về tổ chức bộ máy, quản lý đất đai, nhân khẩu, địa giới hành chính, tài sản… tại các khu vực bàn giao, tiếp nhận để sớm ổn định đời sống người dân, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, quản lý văn hóa, thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế, tài sản công…
Cấp ủy, chính quyền TX Đông Triều (Quảng Ninh) và TP Chí Linh, TX Kinh Môn (Hải Dương) và các xã, phường liên quan cần sâu sát với các địa bàn, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, tuyên truyền vận động để tạo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân; tổ chức bàn giao, tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, cơ sở vật chất, dân cư thuộc khu vực xâm canh, xâm cư… theo đúng quy định; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, thực hiện TTHC và chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan. Đặc biệt, các địa phương cần nhanh chóng hoàn thành việc chuyển đổi các giấy tờ, thủ tục cần thiết cho các em học sinh chuẩn bị bước vào năm học mới; tiếp tục thực hiện các chế độ, chính sách cho người dân theo quy định, không để bị gián đoạn…
Trong quá trình hoạt động theo địa giới hành chính mới, lãnh đạo các xã, phường, thị xã, thành phố của 2 tỉnh cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời nắm bắt, báo cáo, bàn bạc phương hướng giải quyết những vấn đề phát sinh, đảm bảo cuộc sống người dân được ổn định, hạnh phúc.