Quảng Ninh là tỉnh công nghiệp dịch vụ, mặc dù vậy khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn có vai trò quan trọng. Đây là nơi sinh sống, làm việc và tạo nguồn thu nhập cho trên 400.000 người dân, chiếm trên 30% dân số. Nông dân Quảng Ninh là chủ thể canh tác trên hàng vạn ha ruộng, vườn, ao đầm, cung cấp nông sản cho hàng triệu người dân, du khách, CNLĐ trong các KCN…
Năng động, hiện đại, làm giàu cho bản thân và xã hội
Xác định rất rõ vai trò của người nông dân, nhiều năm qua tỉnh dành nguồn lực to lớn đầu tư cho nông thôn. Thông qua chương trình xây dựng NTM từ năm 2010 đến nay, Đề án 196 – đưa xã, thôn thoát diện đặc biệt khó khăn năm 2017, Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển bền vững KT-XH vùng đồng bào, dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp hội nông dân (HND) tỉnh bằng những cách làm sáng tạo, trúng, đúng, hiệu quả, đã góp phần nhân lên những nông dân giàu có, tự tin, năng động, hiện đại; khơi dậy và phát huy vai trò nông dân, lấy nông dân làm lực lượng nòng cốt chung tay cùng tỉnh xây dựng NTM, xây dựng đô thị văn minh, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh…
Tỉnh đã dành nguồn lực lớn đầu tư về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng KT-XH vùng nông thôn, trở thành cơ hội, động lực để nông dân tích lũy kinh tế, tư duy, kiến thức, trình độ, tự tin phát triển các mô hình SXKD, làm giàu cho bản thân và xã hội.
Theo báo cáo của HND tỉnh, trong 5 năm qua, trung bình mỗi năm toàn tỉnh có trên 90% hộ hội viên nông dân đăng ký thi đua đạt danh hiệu SXKD giỏi và 66% trong số đó đã đạt danh hiệu; trong 5 năm qua, toàn tỉnh có 37 hộ nông dân đạt danh hiệu hộ nông dân SXKD giỏi toàn quốc, gần 6.000 hộ nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh, hàng chục nghìn lượt hộ đạt danh hiệu hộ SXKD giỏi cấp cơ sở. Quảng Ninh xuất hiện ngày càng nhiều những nông dân số, điều hành sản xuất thông qua những thiết bị điện tử, online hiện đại.
Nông dân Quảng Ninh hôm nay tự tin làm chủ những mô hình nông nghiệp hiện đại, hàm lượng KHCN cao, những mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ xanh sạch, làm chủ mô hình nông nghiệp đô thị, diện tích canh tác nhỏ, song đạt sản lượng và giá trị lớn. Nông dân Quảng Ninh năng động kết hợp nông nghiệp và du lịch, biến mô hình ruộng vườn ao đầm của mình thành nơi trải nghiệm sinh thái, điểm đến của đông đảo du khách, đẩy giá trị kinh tế của mô hình sản xuất lên cao.
Trong thành quả đó, vai trò của HND các cấp thể hiện qua việc khuyến khích hội viên phát triển các mô hình kinh tế theo hướng phát huy lợi thế của địa phương; vận động hội viên chuyển đổi tư duy sản xuất theo hướng từ coi trọng sản lượng sang chất lượng; sản xuất những sản phẩm thị trường cần; dẫn dắt nông dân đi đến những mô hình kinh tế liên kết, sản xuất theo tổ, nhóm. HND tỉnh đồng hành cùng nông dân xây dựng thương hiệu nông sản, đưa nông sản trở thành thành hàng hóa có mặt trong các siêu thị lớn, tiêu thụ tại các kênh thương mại điện tử…
Năm 2022, HND các cấp sử dụng nguồn Quỹ hỗ trợ hội nông dân gần 72 tỷ đồng để hỗ trợ 1.100 lượt hộ nông dân vay vốn ưu đãi, giúp nông dân triển khai thành công 193 dự án. Các ngân hàng thương mại đã giải ngân cho hàng chục nghìn lượt hộ nông dân vay vốn, với tổng dư nợ trên hơn 2.200 tỷ đồng thông qua các kênh dẫn vốn của HND.
Nông dân Lê Mạnh Quy (xã Quảng Minh, huyện Hải Hà) khẳng định: Rất nhiều mô hình sản xuất của nông dân được mở rộng, nhiều nhà xưởng chế biến nông sản được hình thành, nhiều dây chuyền thiết bị nông nghiệp hiện đại được lắp đặt, nhiều nông sản trở thành hàng hoá, trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh, thành sản phẩm OCOP 5 sao… là nhờ vào những kênh trợ vốn quan trọng mà HND các cấp đã triển khai.
Hạt nhân của vùng nông thôn phát triển
Toàn tỉnh hiện có trên 99.000 hội viên nông dân. Trong 5 năm qua, các cấp HND kết nạp mới 9.500 hội viên. Hiện toàn tỉnh có 13 HND cấp huyện, 152 cơ sở hội, 1.237 chi hội. Tại cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tỉnh có 1.040 cán bộ chi, tổ hội nông dân trúng cử đại biểu HĐND các cấp, cho thấy vai trò, vị thế, uy tín của nông dân trong bộ máy chính quyền nhà nước được nâng lên.
Giai đoạn 2018-2023, tỉnh bước vào giai đoạn nước rút xây dựng NTM. Nông dân đã tự tin thể hiện vai trò chủ thể NTM, trực tiếp tham gia xây dựng NTM. Hội viên nông dân toàn tỉnh đã đóng góp cả chục tỷ đồng, gần 41.400 ngày công lao động, hiến trên 192.000m2 đất để làm mới, sửa chữa, nâng cấp trên 295km kênh mương nội đồng, 333km đường giao thông, 122 cầu cống… HND tỉnh đã huy động gần 600 triệu đồng giúp đỡ người dân xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ) phát triển kinh tế; trên 400 triệu đồng hỗ trợ 88 hộ dân huyện Bình Liêu xây nhà tiêu hợp vệ sinh. Từ sự chung tay của nông dân, kết thúc năm 2022 tỉnh cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, về đích trước 1 năm so với Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đề ra.
Nhiệm kỳ 2018-2023, nông dân Quảng Ninh sôi nổi, trách nhiệm tham gia thực hiện những khâu yếu, việc khó, những nhiệm vụ cần làm ngay của tỉnh. Từ sự tuyên truyền vận động của HND các cấp, tinh thần xây dựng của mỗi hội viên nông dân, nhiều dự án đã được bàn giao mặt bằng sạch, sớm, đẩy mạnh tiến độ thi công, tạo nên kỳ tích GPMB của Quảng Ninh. Nông dân tham gia bảo vệ đường biên mốc giới, hình thành tổ đội sản xuất trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo; hình thành các tổ an ninh tự quản, phối hợp với lực lượng chuyên môn đấu tranh phòng chống tội phạm, xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu; hình thành các tổ an ninh tự quản góp phần đảm bảo ANTT tại các CCN, KCN…
Năm 2020, nông dân Quảng Ninh tích cực góp ý vào văn kiện đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; góp ý vào Luật Đất đai sửa đổi, Luật HTX sửa đổi. Năm 2021, nông dân góp phần vào thành công của Ngày hội bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 với tỷ lệ nông dân đi bầu cử đạt trên 99%. Đặc biệt, các cấp HND là thành phần tham gia 5.000 buổi tiếp công dân, trực tiếp giải quyết hoặc phối hợp giải quyết hơn 1.200 đơn thư khiếu nại tố cáo, trực tiếp hòa giải 290 vụ mâu thuẫn…
Ông Đỗ Ngọc Nam, Chủ tịch HND tỉnh, khẳng định: Những kết quả đạt được nhiệm kỳ 2018-2023 là động lực cho nông dân Quảng Ninh tiếp tục khát vọng vươn lên trong nhiệm kỳ mới 2023 – 2028, tiến lên làm giàu, xây dựng nông thôn tiên tiến, văn minh, để khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn thực sự là khu vực kinh tế sôi động, nông thôn là những miền quê đáng sống, nông dân là những hạt nhân của sự phát triển, góp sức xây dựng tỉnh giàu mạnh, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương định hình với thiên nhiên tươi đẹp, hành chính minh bạch, kinh tế phát triển, văn hóa đặc sắc, xã hội văn minh, nhân dân hạnh phúc.