Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản góp ý về Dự thảo phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công thương giai đoạn 2023-2024. Trong đó, tập trung đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa vào hai lĩnh vực hóa chất và xúc tiến thương mại.
Theo đó, Dự thảo sẽ sửa đổi bổ sung Nghị định 38/2014/NĐ-CP về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học và Nghị định 81/2018/NĐ-CP về hoạt động xúc tiến thương mại. Hiện tại, dự thảo các Nghị định này đã được trình Chính phủ trong tháng 11/2023.
Theo VCCI, tại thời điểm Dự thảo trên lấy ý kiến doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao tinh thần cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính trong các quy định tại Dự thảo so quy định hiện hành.
Tuy nhiên, VCCI cho rằng, để thuận lợi hơn nữa cho hoạt động kinh doanh trong 2 lĩnh vực hóa chất và xúc tiến thương mại, Dự thảo cần điều chỉnh một số nội dung.
Đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 38/2014/NĐ-CP, về quy trình cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng, so với quy trình cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng tại Dự thảo thay đổi theo hướng chặt chẽ hơn và phức tạp hơn.
Nếu như trình tự thủ tục cấp giấy phép sản xuất hóa chất Bảng tại Nghị định 38/2014/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền chỉ cấp phép dựa trên hồ sơ, thì theo quy định tại Dự thảo, cơ quan quản lý sẽ thành lập đoàn kiểm tra thực tế sau đó mới cấp giấy phép.
Dự thảo vẫn yêu cầu cung cấp các loại tài liệu của cơ quan quản lý nhà nước có thể tra cứu trong hệ thống dữ liệu của cơ quan nhà nước, thí dụ như “Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” trong Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất Bảng. Bổ sung thủ tục về thanh sát nội địa, việc bổ sung thủ tục này cần đánh giá lại về tính cần thiết và xem xét về nguy cơ chồng chéo về thanh tra, kiểm tra.
Đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 81/2018/NĐ-CP, về thủ tục báo cáo kết quả thực hiện chương trình khuyến mại, Nghị định 81/2018/NĐ-CP và Dự thảo đang thiết kế quy định theo hướng sau mỗi hoạt động khuyến mại, thương nhân phải thực hiện thủ tục báo cáo kết quả thực hiện chương trình khuyến mại – tức là hoạt động báo cáo theo vụ việc.
Về nội dung này, VCCI cho rằng, hoạt động báo cáo nên theo năm tài chính thay vì thiết kế theo từng vụ việc.
Về thực hiện thu nộp ngân sách nhà nước, Dự thảo bổ sung quy định về thực hiện nộp ngân sách nhà nước, theo đó trong vòng 10 ngày kể từ ngày nộp ngân sách nhà nước, thương nhân có trách nhiệm gửi văn bản báo cáo (theo mẫu) cho cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định thu nộp. VCCI cho rằng thủ tục này là không cần thiết.
Đối với việc đăng ký hoạt động khuyến mại, theo Điều 19 Nghị định 81/2018/NĐ-CP hoạt động “bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi mà việc tham gia chương trình gắn liền việc mua bán hàng hóa, dịch vụ.
Việc trúng thưởng dựa trên sự may mắn của người tham gia theo thể lệ và giải thưởng đã công bố (chương trình khuyến mại mang tính may rủi) phải thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động khuyến mại và phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận trước khi thực hiện chương trình khuyến mại. Thủ tục này có tính chất như hoạt động cấp phép.
Do vậy, hoạt động khuyến mại theo quy định tại Điều 13 Nghị định 81/2018/NĐ-CP nên thực hiện thủ tục thông báo thay vì thủ tục đăng ký.