Sáng 23/1, tại TP Hạ Long, Sở Du lịch tổ chức Hội nghị tham vấn Đề án Phát triển du lịch Quảng Ninh trở thành trung tâm kết nối khu vực và quốc tế. Tham dự hội nghị có ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục du lịch Quốc gia Việt Nam, cùng hơn 100 đại biểu là các chuyên gia, diễn giả về du lịch, văn hoá, các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng và phụ cận, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, đại diện Viện Nghiên cứu phát triển du lịch là đơn vị tư vấn xây dựng Đề án đã trình bày tóm tắt Đề án với những đánh giá toàn diện về tiềm năng, hiện trạng của du lịch Quảng Ninh hiện nay, định hướng và những giải pháp phát triển du lịch Quảng Ninh trở thành trung tâm kết nối khu vực và quốc tế. Theo đó, Đề án xác định, chức năng chính của trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế là đón và phân phối khách du lịch; trung chuyển khách du lịch; quản lý và dịch vụ tại điểm đến.
Để trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế, Quảng Ninh có những điểm mạnh về vị trí địa lý, địa chính trị và đối ngoại quan trọng; có tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc, có giá trị nổi bật; hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại và đang phát triển vượt trội; môi trường điểm đến an toàn, an ninh, trật tự và vệ sinh. Bên cạnh đó, du lịch Quảng Ninh còn một số điểm yếu về sản phẩm du lịch, vai trò kết nối khu vực và quốc tế, chất lượng tăng trưởng du lịch và nguồn nhân lực chất lượng cao…
Theo đó, Đề án đưa ra 12 điều kiện cần thiết, 5 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp cần thực hiện để Quảng Ninh có thể trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế. Các giải pháp gồm: Nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi chính sách; ưu tiên đẩy mạnh thu hút đầu tư du lịch; liên kết hợp tác phát triển du lịch; phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá điểm đến và marketing toàn diện; xây dựng, định vị thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến; nâng cao sức chứa và khả năng phục vụ khách du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp; tạo dựng môi trường điểm đến văn minh, đồng bộ; giải pháp chuyển đổi số để đẩy nhanh tốc độ đáp ứng điều kiện; bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường và phát triển bền vững; thích ứng linh hoạt, an toàn của ngành du lịch.
Tổng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo Đề án dự kiến khoảng 432.825 tỷ đồng (giai đoạn 2024 – 2030). Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước khoảng 20.370 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa, tư nhân khoảng 412.455 tỷ đồng. Đề xuất lộ trình phát triển theo 2 giai đoạn: 2024-2030 và 2031-2045.
Tham gia hội nghị, các đại biểu đã khẳng định, làm rõ hơn về những lợi thế, tiềm năng, các tài nguyên độc đáo của du lịch Quảng Ninh và cơ hội để trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế. Cùng với đó, các ý kiến cũng thảo luận, có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng cho Đề án về cách sử dụng một số từ ngữ, số liệu, kết cấu một số phần, nội hàm của khái niệm trung tâm kết nối, có sự nhấn mạnh tương xứng vào tiềm năng du lịch công nghiệp của tỉnh. Để hiện thực hoá Đề án, các ý kiến tập trung vào việc xác định những điểm nghẽn, rào cản của du lịch Quảng Ninh hiện nay; bám sát các nghị quyết về du lịch của Trung ương, của tỉnh; nguồn lực thực hiện Đề án; nguồn nhân lực chất lượng cao; kết nối về đường hàng không giữa các thị trường khu vực và quốc tế…
Những ý kiến tại hội nghị sẽ được Sở Du lịch tổng hợp lại, hoàn thiện Đề án báo cáo tỉnh phê duyệt làm căn cứ để triển khai thực hiện.