Vào dịp đầu xuân, tại các địa phương miền Tây của Quảng Ninh diễn ra nhiều lễ hội liên quan đến các di tích lịch sử thì tại miền Đông lại náo nức với những hội xuân gắn với tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Quảng Ninh hiện có hơn 100 lễ hội, trong đó có 80 lễ hội truyền thống. Các lễ hội ở miền Đông phần lớn diễn ra vào mùa xuân như: Lễ hội đình Đầm Hà, Lễ hội đình Lục Nà (Bình Liêu), Lễ hội đình Đồng Đình và Lễ hội đua thuyền truyền thống ở xã Đồng Rui (Tiên Yên), Lễ hội đình Vạn Ninh (Móng Cái) và hội hát soóng cọ tháng ba của dân tộc Sán Chỉ tại huyện Tiên Yên…
Tại huyện Ba Chẽ, Lễ hội đình Làng Dạ do xã Thanh Lâm chủ trì tổ chức thực hiện, vào mùng 9 và 10 tháng Giêng. Lễ hội đình Đồng Chức và Lễ hội Xuống đồng do xã Lương Mông chủ trì thực hiện vào các ngày từ 20 đến 22 tháng Giêng. Lễ hội miếu Ông – miếu Bà do xã Nam Sơn chủ trì thực hiện, vào ngày 1/3 âm lịch.
Một số địa phương có cộng đồng người Tày thường tổ chức Lễ hội Lồng Tồng là thôn Đồng Đình (xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên); thôn Đồng Chức (xã Lương Mông), thôn Làng Dạ (xã Thanh Lâm), đều huyện Ba Chẽ. Trong lễ hội có các nghi lễ cúng thần, lễ rước long ngai (rước thần), nghi thức tuyên chúc văn, dâng hương của các đại biểu, du khách và lễ phóng sinh… Nghi lễ Xuống đồng có sự tham gia thực hiện đường cày tịch điền của lãnh đạo địa phương, nghi thức cuốc hố tra hạt của đồng bào dân tộc. Qua đây thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền huyện đối với công tác phát triển sản xuất nông nghiệp, cũng là sự động viên kịp thời dành cho bà con, để người dân có thêm niềm tin, động lực, hăng say lao động sản xuất, nâng cao thu nhập, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Lễ hội Lồng Tồng một số nơi, người thực hiện nghi thức cày tịch điền là thầy cúng, bởi họ quan niệm thầy cúng là sứ giả nối giữa thần linh và cõi nhân gian. Thầy cúng làm lễ xin thần hoàng làng mở hội tạ thiên địa, thần Nông, thần Núi, thần Suối ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống người dân trong năm ấm no, hạnh phúc. Xong lễ cầu thần, thầy cúng đánh trống khai hội, cày những đường cày đầu tiên, cũng là người cuốc đất tra hạt đầu xuân.
Nhìn chung, các lễ hội ở khu vực miền Đông Quảng Ninh đều tôn vinh sự chịu khó, cần cù, thành quả trong lao động sản xuất của bà con các dân tộc, như: Thi cày, cấy, cuốc hố tra hạt, đan sọt, gói bánh, làm mâm cỗ… Tham gia thi là những người tiêu biểu xuất sắc về lao động sản xuất do thôn chọn ra, ngoài cuộc sống họ cũng là những người chăm chỉ, có nhiều hiểu biết trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bà con đồng bào các dân tộc đặt hết niềm tin vào họ để khai màn cho ngày hội, bà con tin tưởng những người đó sẽ đem lại nhiều may mắn cho sản xuất mùa vụ năm mới của thôn, xã mình.
Các lễ hội tại khu vực miền Đông Quảng Ninh là một dạng thức văn hóa nguyên hợp thể hiện và phản ánh ước muốn của cả một cộng đồng về cuộc sống tốt đẹp nhân dịp đầu xuân năm mới. Bà con đến lễ hội không chỉ để thỏa mãn nhu cầu tâm linh, mà còn để giao lưu kết bạn, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao tình đoàn kết giữa các dân tộc.