Hiện nay, các thị trường xuất khẩu nông sản trọng điểm của Việt Nam đều có xu thế gia tăng các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) như thay đổi mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật (MRL), dư lượng kháng sinh, vật liệu tiếp xúc thực phẩm, ô nhiễm vi sinh vật…
Do đó, cần nâng cao năng lực thực thi các quy định SPS cho người sản xuất, cơ sở chế biến, doanh nghiệp xuất khẩu… để đáp ứng đúng, đủ, kịp thời yêu cầu của nước nhập khẩu.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước đạt 53,01 tỷ USD. Thành quả này có một phần đóng góp quan trọng của các cơ quan chức năng, trong đó có Văn phòng Thông báo và Ðiểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) đã tích cực cập nhật thông tin SPS cho các bên liên quan và khuyến nghị các giải pháp thích ứng.
Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, trong năm 2023, tổng hợp thông báo dự thảo các biện pháp SPS của thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) theo một số thị trường trọng điểm xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam cho thấy Nhật Bản có số lượng thông báo nhiều nhất là 142 thông báo (chiếm 12%), EU 121 (chiếm 10%), Mỹ 90 (chiếm 8%), Ðài Loan (Trung Quốc) 39 (chiếm 3%), Trung Quốc 34 (chiếm 3%). Các thị trường khác như Hàn Quốc, Australia,… chiếm khoảng 2% tổng số thông báo.
Xét theo từng lĩnh vực, thành viên WTO quan tâm nhất đến mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật (MRL) khi có tới hơn 600 thông báo, chiếm khoảng 55%, tiếp đến là dư lượng kháng sinh với hơn 400 thông báo, chiếm khoảng 35%. Số còn lại là các biện pháp SPS liên quan đến thức ăn chăn nuôi, phụ gia thực phẩm và vật liệu tiếp xúc thực phẩm…
Theo Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Ngô Xuân Nam, trong năm 2023, hệ thống cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Liên minh châu Âu (RASFF) đã phát đi 4.681 cảnh báo đối với tất cả các quốc gia/vùng lãnh thổ xuất khẩu nông sản thực phẩm và thức ăn chăn nuôi vào EU.
Ðối với nông, lâm, thủy sản Việt Nam, điều đáng ghi nhận là dù nhận nhiều thông báo SPS hơn nhưng số lượng cảnh báo lại giảm trong năm vừa qua. Cụ thể, khi một số nước có hơn 280 cảnh báo (chiếm khoảng hơn 6% tổng số cảnh báo) thì Việt Nam chỉ có 67 cảnh báo (chiếm khoảng 1,4%), giảm 5 cảnh báo (4%) so với năm 2022 (72 cảnh báo). Xét theo từng lĩnh vực cho thấy, rau quả và gia vị có 27 cảnh báo (chiếm 40%), thủy sản 24 cảnh báo (chiếm 36%), thực phẩm khác 16 cảnh báo (chiếm 24%).
Riêng đối với thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, năm 2023 cũng ghi nhận những bước chuyển biến mạnh mẽ khi Việt Nam không nhận bất cứ cảnh báo nào của Trung Quốc về việc thực thi Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Tính đến hết năm 2023, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt 3.013 mã sản phẩm nông sản thực phẩm cho khoảng gần 3.000 doanh nghiệp của Việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường này. Hiện nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã công bố Danh mục 128 sản phẩm thủy sản và 48 loài thủy sản sống của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Một điều đáng mừng khác là tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu từng là nỗi lo thường trực của nhiều doanh nghiệp, cũng đã được cải thiện rất tốt trong năm 2023.
Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho biết: Mấy năm gần đây, số lượng thông báo SPS từ các quốc gia liên tục tăng chứng tỏ thị trường thế giới đang rất chú trọng tới chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và các vấn đề liên quan tới môi trường, lao động, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn… Mặc dù vậy, các cảnh báo đối với Việt Nam lại giảm đi chứng tỏ chúng ta đã làm tốt hơn, chuẩn hơn các quy định SPS. Thực tế, người sản xuất, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu phải tuân thủ các quy định SPS thì mới mở cửa được thị trường, đồng thời cũng giảm được thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi xuất khẩu; từ đó tăng kim ngạch xuất khẩu và nâng cao uy tín cho nông sản Việt Nam trên trường quốc tế.
Năm 2024, ngành nông nghiệp Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 54-55 tỷ USD. Các doanh nghiệp nông nghiệp đều cho rằng, với năng lực sản xuất, chế biến của Việt Nam hiện nay thì mục tiêu này không khó.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phối hợp với các bộ, ngành xác định các mặt hàng xuất khẩu mục tiêu. Các sản phẩm dừa, sầu riêng đông lạnh đang được đàm phán xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cũng đã có văn bản đề nghị cơ quan thẩm quyền Trung Quốc xem xét, bổ sung một số mặt hàng thủy sản vào danh mục được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, gồm: Sứa muối (Scyphozoa), hải sâm khô (Stichopus horrens), ghẹ đỏ sống (Charybdis Feriatus), cá nhám trơn sống (Chiloscyllium griseum), cá nhám bông sống (Mustelus manazo).
Ðây sẽ là cơ hội để tăng đáng kể kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong năm 2024. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải sẵn sàng cập nhật và tuân thủ các quy định SPS từ quốc gia nhập khẩu. Trong đó, các ngành hàng trọng điểm như lúa gạo, rau quả, thủy sản… phải cải thiện hơn nữa quy trình sản xuất, nuôi trồng, chế biến để bảo đảm sản phẩm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chí sản xuất xanh trên toàn cầu.