Trong thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá của Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ và được các cơ quan quản lý văn hoá trung ương đánh giá cao.
Bên lề hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa trong phát triển bền vững thành phố Hạ Long” do Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia phối hợp với TP Hạ Long tổ chức ngày 15/12/2023, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, xung quanh công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá của Quảng Ninh.
– Thưa Cục trưởng, nếu nói khái quát về bức tranh toàn cảnh các di sản văn hoá của Quảng Ninh, bà có đánh giá gì?
+ Quảng Ninh được biết tới là tỉnh có 1 di sản thiên nhiên thế giới, 8 di tích quốc gia đặc biệt, 44 di tích cấp quốc gia, 87 di tích cấp tỉnh, 2 di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, 7 di sản phi vật thể quốc gia và 13 bảo vật quốc gia.
Tôi cho rằng, trong thời gian qua tại Quảng Ninh, di sản văn hoá đã khẳng định được vai trò là tài sản và đóng góp tích cực để trở thành nguồn tài nguyên vô tận trong việc phát triển kinh tế – xã hội, phát triển du lịch và trong phát triển bền vững. Đây là một thuận lợi mà tôi nghĩ ít tỉnh, thành phố nào có được. UNESCO đánh giá Việt Nam là điển hình trong việc vừa bảo tồn văn hóa vừa phát triển bền vững. Trong đó, Quảng Ninh có nhiều đóng góp chung vào những thành tựu đó.
Quảng Ninh là một trong những tỉnh có bề dày truyền thống lịch sử. Trải qua hàng ngàn năm cư trú cùng với đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chinh phục tự nhiên trên vùng đất này, cha ông ta đã sáng tạo, bồi đắp nên một kho di sản văn hóa vật thể, phi vật thể vô giá, để đến hôm nay chúng là nguồn tài nguyên quý cho du lịch Quảng Ninh phát triển.
-Nói riêng về di sản văn hoá phi vật thể ở Quảng Ninh, bà có đánh giá như thế nào?
+Có thể nói Quảng NInh là địa phương điển hình trong cả nước đã làm tốt công tác bảo tồn ở tất cả các lĩnh vực di sản văn hóa. Di sản thiên nhiên thế giới vừa được bảo tồn và phát huy giá trị, khai thác để phát triển du lịch đã trở thành điểm đến hàng đầu về di lịch di sản. Bên cạnh đó Quảng Ninh đã làm rất tốt công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học đưa nhiều di sản được ghi danh vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Xuống đồng, Nghệ thuật trình diễn dân gian hát soóng cọ của người Sán Chỉ, Nghệ thuật trình diễn dân gian hát soọng cô của người Sán Dìu, Lễ hội đình Vạn Ninh và Lễ hội đình Đầm Hà, góp phần để tới nay Quảng Ninh có 12 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Như vậy, trong 12 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Quảng Ninh có đến 8 di sản là loại hình lễ hội truyền thống.
Hoạt động bảo tàng cũng là thế mạnh của Quảng Ninh. Hiện nay, Bảo tàng Quảng Ninh đang đi đầu trong việc thu hút du khách, đổi mới nội dung và phương thức trưng bày, chuyển tải nhiều thông điệp văn hoá lịch sử sâu sắc đến công chúng, đáp ứng tốt thị hiếu của du khách, tạo điểm nhấn khác biệt so với công tác trưng bày truyền thống.
– Theo bà, chúng ta phải làm gì để phát huy giá trị của những di sản vừa nêu?
+ Theo tôi, cần tiếp tục nghiên cứu kiểm kê vinh danh các di sản văn hóa phi vật thể thu hút du lịch. Ví dụ như lễ hội đền Cửa Ông là một lễ hội tín ngưỡng độc đáo. Ở đó, không gian văn hóa phi vật thể gắn với không gian di tích tạo ra bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng miền tạo ra thương hiệu di sản của một vùng đất. Chúng tôi rất khuyến khích các địa phương nhận diện khai thác kiểm kê các di sản làm giàu giá trị văn hóa trên cơ sở tôn trọng những gì là bản sắc, những gì đã được cộng đồng gìn giữ nhất là đồng bào các dân tộc, kết nối các điểm đến du lịch, tạo ra các sản phẩm văn hóa du lịch từ không gian văn hóa phi vật thể đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội bền vững. Đây là lĩnh vực rất mới mẻ nhưng tôi tin là có nhiều tiềm năng đóng góp cho sự phát triển ngành công nghiệp văn hóa.
Các lễ hội thường diễn ra tại không gian di tích, danh lam thắng cảnh. Vì vậy cần tiếp tục tu bổ, xếp hạng di tích. Sau khi được xếp hạng, ghi danh và được bảo tồn, tu bổ, tôn tạo sẽ trở thành “địa chỉ đỏ” trong việc thu hút ngày càng đông khách du lịch trong nước và quốc tế tới tham quan, nghiên cứu. Tôi nói ví dụ như Vịnh Hạ Long từ khi mới được ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới chỉ có vài chục nghìn khách du lịch, đến nay đã thu hút hàng triệu khách tới tham quan, nghiên cứu.
– Trong việc quản lý di sản văn hoá mà cụ thể là các hoạt động lễ hội, chúng ta cần lưu tâm những vấn đề gì, thưa Cục trưởng?
+ Sau khi được công nhận, địa phương nào cũng xây dựng chương trình hành động nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Tuy nhiên, một bộ phận nhân dân chưa hiểu đúng về hoạt động tín ngưỡng và các tập tục liên quan đến di sản trong đời sống dân cư; vấn đề thực hành không đúng không gian và lợi dụng danh hiệu di sản vẫn còn diễn ra…
Để thực hiện đầy đủ cam kết bảo vệ di sản mà Việt Nam đã cam kết với UNESCO, cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn hoạt động quản lý, thực hành di sản văn hóa phi vật thể và những giới hạn trong quy định về khai thác và sử dụng di sản.
Công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hướng dẫn thực hành di sản cần được tăng cường; việc bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực về công tác quản lý nhà nước đối với di sản, đặc biệt là di sản có tính thiêng liêng và tính tập tục cho cán bộ làm công tác văn hóa các cấp. Cùng với đó, việc vinh danh, khen thưởng, động viên khuyến khích nghệ nhân, người thực hành di sản cần được quan tâm; hoạt động tuyên truyền, quảng bá để người dân hiểu được những giá trị cốt lõi của di sản cần được đẩy mạnh trong thời gian tới.
– Để có thể bảo tồn những di sản vừa nêu một cách lâu dài và góp phần quảng bá hữu hiệu giá trị của di sản thì việc số hóa là rất cần thiết. Xin bà chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này?
+ Để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số các di sản, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang sửa đổi một số điều trong Luật Di sản để trình Quốc hội xem xét trong năm 2024. Trong đó, nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số về di sản văn hóa sẽ có quy định cụ thể hơn về những nội dung khuyến khích các nguồn lực xã hội để tham gia vào công cuộc số hóa di sản. Tôi nghĩ, với kho tàng di sản đồ sộ của mình, Quảng Ninh nên đẩy mạnh hơn nữa việc số hóa các di sản văn hóa.
– Thưa Cục trưởng, có ý kiến cho rằng Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long là động lực chính cho sự phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh. Vậy Cục trưởng có ý kiến gì về nhận định này?
+ Tôi được biết rằng, trong thời gian qua công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu tích cực. Số lượng khách du lịch và doanh thu từ du lịch ngày càng tăng. Nếu như năm 2006, Vịnh Hạ Long đón khoảng 1,5 triệu khách, thu từ vé 42,057 tỷ đồng, thì đến năm 2019 Vịnh Hạ Long đón 4,4 triệu khách, thu từ vé 1.237 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật và các dịch vụ phục vụ du khách tại Di sản thế giới Vịnh Hạ Long ngày càng được nâng cao về số lượng và chất lượng. Điều đó được thể hiện qua sự gia tăng về cơ sở lưu trú, nhà hàng kinh doanh ăn uống, các dịch vụ vận chuyển, nhà biểu diễn nghệ thuật truyền thống, quầy hàng lưu niệm… đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng sống của cộng đồng địa phương. Thông qua các hoạt động cung cấp sản phẩm và dịch vụ đã mang lại thu nhập và lợi ích trực tiếp cho người dân địa phương, tạo nên mối quan hệ mật thiết, gắn bó của cộng đồng dân cư đối với di sản.
– Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà vừa trở thành di sản thế giới liên tỉnh. Vậy theo Cục trưởng, chúng ta cần có sự phối hợp như thế nào trong quản lý?
+ Chúng ta rất vui mừng là trong năm 2023 đã có được một di sản liên tỉnh được công nhận là di sản thế giới. Quảng Ninh cần phối hợp với các cơ quản lý Quần đảo Cát Bà (TP Hải Phòng) nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị tổng thể Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà trên cơ sở bám sát các quy định, quy chế đang được triển khai tại hai địa phương, hai khu di sản, cùng những vấn đề đặt ra đối với khu di sản liên tỉnh để thống nhất có kế hoạch chuẩn bị xây dựng quy chế, kế hoạch quản lý di sản phù hợp với công tác quản lý di sản, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Quảng Ninh cũng cần nghiên cứu xây dựng bộ công cụ giám sát về tình trạng bảo tồn di sản thế giới đảm bảo tính khả thi, trên cơ sở có sự tham khảo các bộ công cụ giám sát của UNESCO và các nước trên thế giới, phù hợp với thực tiễn quản lý và bối cảnh, điều kiện của địa phương. Đồng thời, nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
– Trong phát triển du lịch trên Vịnh Hạ Long, theo Cục trưởng cần lưu tâm những điểm nào?
+ Theo tôi, Quảng Ninh cần nghiên cứu kết nối các tuyến tham quan Vịnh Hạ Long với hệ thống di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh và các điểm du lịch khác trong khu vực để tối ưu hóa những tiềm năng về di sản văn hóa, qua đó giảm áp lực của hoạt động du lịch đối với Vịnh Hạ Long. Cần bảo tồn các yếu tố gốc của di sản cũng như những giá trị tạo nên vẻ đẹp của di sản, dù phát triển thế nào cũng cần đảm bảo nguyên tắc đó, nhất là với di sản đã được UNESCO ghi danh.
– Trân trọng cảm ơn Cục trưởng đã trả lời phỏng vấn!