Trong khi khả năng viết chuyện thiếu nhi của AI đang giúp các em nhỏ có thêm nhiều tác phẩm để đọc thì các vấn đề về bản quyền, đạo đức,… cũng khiến nhiều bậc phụ huynh đau đầu.
Tại Australia, Bluey là tác phẩm truyện tranh và hoạt hình được toàn thể thiếu nhi yêu thích. Dù bộ phim hoạt hình Bluey đã được sản xuất tới 151 tập, mỗi tập dài 7 phút, các bậc cha mẹ có con nhỏ vẫn cảm thấy công ty Ludo Studio đang làm việc quá chậm chạp khi không thể nhanh chóng ra tác phẩm mới.
Cách duy nhất để các em nhỏ nhanh chóng được đọc câu chuyện mới là các gia đình tìm cách dệt nên những câu chuyện của riêng mình, miễn là có sự xuất hiện của nhân vật gia đình chú chó chăn bò Bluey.
Người cha Luke Warner đã làm được điều này, với sự giúp đỡ của công cụ AI tổng quát. Nhà phát triển công nghệ tại London này đã sử dụng GPTs để tạo nên một công cụ chuyên viết chuyện về Bluey cho cô con gái nhỏ của mình.
Công cụ này, được gọi là Bluey-GPT, sử dụng thông tin cơ bản của người dùng như tên, tuổi, một vài hoạt động trong ngày để sáng tác câu chuyện với nhân vật chính là Bluey và chị gái Bingo. Warner chia sẻ: “Bluey-GPT có thể đặt tên cho các trường học trong câu chuyện, các địa danh, miêu tả về thời tiết và làm cho mọi tình tiết trở nên gần gũi và hấp dẫn hơn”.
Phiên bản gốc ChatGPT, kể từ khi ra mắt năm 2022, đã có thể viết truyện dành cho trẻ em, nhưng bản nâng cấp GPT mở ra nhiều tính năng hơn. Bất kỳ ai cũng có thể sáng tác ra những câu chuyện được cá nhân hóa bằng cách tự giới hạn chủ đề, đưa ra gợi ý cụ thể, bố trí những tình tiết gần với cuộc sống thực tế, sở thích của con cái họ. Do đó, ai cũng có thể viết nên những câu chuyện về Bluey của riêng mình và không cần nhà sản xuất Ludo đưa ra nội dung mới.
Hiện tại, bản nâng cấp GPT của OpenAI chỉ khả dụng cho những người có tài khoản Plus hoặc Enterprise. Nhưng công ty này cũng thông tin rằng họ sẽ dần triển khai bản GPT mới tới đa số người dùng.
Tranh cãi về quyền sở hữu trí tuệ
Tuy nhiên, một vấn đề nảy sinh từ những câu chuyện tự sáng tác này là tính pháp lý và đạo đức.
Khi Warner xây dựng Bluey-GPT vào đầu tháng 11, ông có ý định đưa công cụ này lên GPT Store – nền tảng bán các ứng dụng liên quan đến GPT do OpenAI triển khai. Tuy nhiên, chỉ 5 ngày sau khi quảng cáo Bluey-GPT trên Instagram, Warner đã nhận được thông báo từ OpenAI yêu cầu gỡ xuống.
Warner biết việc sử dụng dữ liệu từ Bluey làm để phát triển cho GPT có thể gặp rắc rối nên ông không ngạc nhiên. Những cái tên và hình ảnh đã được đăng ký nhãn hiệu hầu như luôn là nội dung bị cấm sử dụng. Tuy nhiên, các điều luật liên quan đến sản phẩm sáng tạo của AI vẫn còn rất mù mờ.
Và để giải quyết câu chuyện về luật đối với trường hợp của Warner không hề dễ dàng. Warner đang sống tại Vương quốc Anh, công ty OpenAI có trụ sở ở Mỹ và nhà sản xuất hoạt hình Ludo ở Australia. Các nhân vật hư cấu có thể được bảo vệ bản quyền ở Anh và Mỹ, nhưng lại trở nên phức tạp hơn ở Australia. Tại đây, việc sử dụng tên nhân vật đặt tên cho nhiều sản phẩm, nội dung khác không vi phạm luật nếu không sử dụng thêm các yếu tố khác.
Trong khi đó, những câu chuyện do AI, cụ thể là Bluey-GPT tạo ra, có rất ít điểm chung với các nhân vật Bluey, ngoại trừ tên gọi. Matthew Sag, Giáo sư luật và AI tại Đại học Emory, cho biết GPT mang đến cả vấn đề về bảo vệ thương hiệu thương mại chứ không chỉ là bản quyền.
Trong khoảng thời gian Warner tạo ra Bluey-GPT, ông cũng thử nghiệm phát triển một chương trình sử dụng các nhân vật trong Paw Patrol. Giáo sư Sag đánh giá: “Dù các nền tảng này không tạo ra nội dung liên quan đến tác phẩm gốc, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng không thể sử dụng nhân vật mà không có sự cho phép của chủ sở hữu bản quyền. Giống như không thể phát triển hay tiếp thị Coca-Cola GPT”.
Và nếu sản phẩm do AI tạo ra đủ tốt để bám sát được câu chuyện về nhà Bluey thì vấn đề lúc đó sẽ là bản quyền của người sáng tạo tác phẩm. Theo ông Sag, trách nhiệm lúc đó sẽ thuộc về những người sáng tác loạt nền tảng liên quan (ví dụ Luke Warner) chứ không phải OpenAI. Nhưng OpenAI cũng phải có trách nhiệm trong việc sàng lọc các yêu cầu có thể vi phạm bản quyền và báo cáo những chương trình vi phạm sau khi chúng được sáng tạo ra.
AI liên tục được cải tiến để khắc phục những thiếu sót
Hiện tại Warner và con gái ông vẫn có thể sử dụng Bluey-GPT nhưng không thể chia sẻ công khai hoặc kiếm tiền trong nền tảng GPT Store. Và Warner không phải là người đầu tiên nhận thấy tiềm năng tài chính từ khả năng sáng tác của AI. Đã có một số ứng dụng AI như Oscar, Once Upon a Bot hay Bedtimestory.ai phát triển khả năng sáng tác chuyện hay vẽ hình minh họa. Những ứng dụng này đang bắt kịp nhu cầu tự sáng tác từ thị trường hiện nay.
Nghiên cứu cũng cho thấy những câu chuyện được cá nhân hóa thu hút được sự chú ý của trẻ em và hiệu quả sẽ cao nhất nếu tác phẩm được viết hay và có thiết kế đặc sắc, theo giáo sư về đọc và phát triển Natalia Kucirkova.
Một mối quan tâm khác là liệu các câu chuyện do AI viết nên có thực sự an toàn cho trẻ em. Ví dụ, nếu nhập các từ khóa tục tĩu, bạo lực, phân biệt đối xử vào Bedtimestory.ai có thể dẫn đến những câu chuyện có tên gọi như “Vụ cướp của tên cướp tàn ác”.
Người đồng sáng lập Linus Ekenstam của Bedtimestory.ai cho biết họ có công cụ kiểm duyệt để đảm bảo nội dung thân thiện với gia đình. Ông Ekenstam cho hay: “Công cụ này không đảm bảo 100%, nhưng chúng tôi không ngừng cải tiến và… sẽ tránh cho phép các từ khóa bạo lực như vậy”.
Đối với những người muốn sử dụng AI để tạo ra câu chuyện của riêng mình, Olaf Falafel, họa sĩ minh họa kiêm tác giả của tác phẩm thiếu nhi Blobfish, cho rằng: “Hãy tự tin chỉnh sửa và biến câu chuyện thành của riêng bạn. Lúc đó, các bậc cha mẹ có thể tự hào rằng họ không hoàn toàn dựa vào máy móc trong việc sáng tác”.