Kết thúc 2023, sản lượng than sạch sản xuất trong nước của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đạt 39,3 triệu tấn, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng này tuy đã được khai thác tối đa theo các giấy phép khai thác TKV được cấp nhưng vẫn chưa đủ so với nhu cầu thị trường. Để đảm bảo an ninh năng lượng, TKV đã phải nhập khẩu trên 6,6 triệu tấn than. Nhận định nhu cầu than của thị trường tiếp tục tăng cao trong năm 2024, hiện nay, TKV một mặt chỉ đạo các đơn vị khai thác tối đa công suất thiết kế, mặt khác tăng cường nhập khẩu than, chủ động nguồn cung cho các ngành kinh tế.
Theo TKV, giai đoạn 2017-2020 vừa qua, nhu cầu than Antraxit cho các nhà máy nhiệt điện chiếm khoảng 40 triệu tấn/năm. Sản lượng này tăng lên nhanh chóng trong 3 năm trở lại đây và dự kiến sẽ tăng lên 55 triệu tấn vào năm 2030. Quy hoạch điện VIII của Chính phủ cũng cho thấy, nhiệt điện than mặc dù đã được xem xét giảm để tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng sạch, tái tạo song vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu nguồn điện Việt Nam. Trong bối cảnh năng lượng tái tạo có giá thành cao, tiềm năng thủy điện đã được khai thác đáng kể, nguồn khí hạn chế, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận dừng triển khai… thì vai trò của ngành Than càng trở nên quan trọng.
Trong khi đó, Việt Nam chỉ có 2 đơn vị sản xuất than là TKV và Tổng Công ty Đông Bắc, sản xuất được 40-41 triệu tấn than mỗi năm; năng lực sản xuất của các mỏ đều bị giới hạn bởi công suất và điều kiện khai thác mỏ ngày càng khó khăn do tài nguyên xuống sâu hơn. Chính vì vậy, nguy cơ thiếu than cho các nhà máy nhiệt điệt dùng than Antraxit là hiện hữu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng quốc gia.
Để tăng sản lượng than sản xuất hàng năm, hiện nay, TKV đang đẩy mạnh triển khai các dự án mỏ mới. Theo ông Phan Xuân Thủy, Phó Tổng Giám đốc TKV, Tập đoàn sẽ đầu tư cải tạo mở rộng, nâng công suất 9 dự án khai thác mỏ (vùng Cẩm Phả: 7 dự án, vùng Uông Bí: 2 dự án), đầu tư xây dựng mới 29 dự án mỏ (vùng Cẩm Phả: 4 dự án, vùng Hòn Gai: 6 dự án, vùng Uông Bí: 19 dự án). Tuy nhiên, thời gian triển khai đầu tư các dự án này sẽ cần rất nhiều thời gian.
Đơn cử như Dự án khai thác hầm lò khu Tân Yên – Mỏ Đông Tràng Bạch công suất 450.000 tấn/năm của Công ty Than Uông Bí – TKV, hiện mới đang trong giai đoạn trình thẩm định thiết kế cơ sở. Trong khi dự kiến hết năm 2024, Công ty sẽ kết thúc 2 dự án hiện có do hết trữ lượng khai thác, dẫn tới sản lượng sẽ giảm còn 1,9 triệu tấn/năm nếu không có dự án mới.
“Trong bối cảnh đó, nhập khẩu than sẽ là giải pháp tối ưu và sẽ cần nhập khẩu với khối lượng rất lớn. Năm 2024, dự báo nhu cầu than trong nước tiếp tục tăng cao, khoảng 50 triệu tấn. Sản lượng này đang vượt quá công suất khai thác tối đa của các đơn vị thuộc Tập đoàn. Vì vậy, ngay từ cuối năm 2023, TKV đã xác định sản lượng than cần nhập khẩu vào khoảng 14,3 triệu tấn, tăng 7,7 triệu tấn so với năm 2022” – ông Phan Xuân Thủy cho biết thêm.
Trong kế hoạch nhập khẩu, TKV đã xây dựng nhu cầu nhập khẩu các loại than từ các nước như: Úc, Indonesia, Nam Phi, Nga để pha trộn với nguồn than sản xuất nội địa thành than có chất lượng phù hợp với yêu cầu của thị trường, đặc biệt là các nhà máy điện.
Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả sẽ tiếp nhận phần lớn sản lượng than nhập khẩu của Tập đoàn và điều tiết, phân phối các đơn vị có nhiệm vụ chế biến, pha trộn. Từ cuối năm 2023, Công ty đã triển khai thương thảo, ký hợp đồng với các đơn vị để tiếp nhận, vận chuyển than nhập khẩu, đảm bảo tốc độ dỡ hàng, giải phóng tàu nhanh theo cam kết. Về lâu dài, đơn vị tiếp tục chuẩn hoá, nâng cấp các kho cảng dịch vụ logistics phục vụ cho việc xuất nhập khẩu, pha trộn than.
Công ty Chế biến Than Quảng Ninh cũng là một trong những đầu mối quan trọng của TKV thực hiện tiếp nhận, pha trộn than nhập khẩu với than trong nước. “Nếu như năm 2023, Tập đoàn yêu cầu Công ty pha trộn với tỷ lệ 40% than nhập khẩu – 60% than trong nước, thì đến năm 2024 này, do việc nhập khẩu than sẽ tăng cao, tỷ lệ này đã đảo chiều. Theo kế hoạch, trong năm 2024, Công ty sẽ thực hiện tiếp nhận 2,3 triệu tấn than nhập khẩu – tương đương với tỷ lệ gần 70% để pha trộn với 1,9 triệu tấn than sản xuất trong nước, cung cấp cho các hộ tiêu thụ, nhất là các nhà máy nhiệt điện” – ông Bùi Quang Huy, Quyền Giám đốc Công ty Chế biến Than Quảng Ninh cho biết.
Tại hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 vừa qua, TKV đã cam kết với Chính phủ và các bộ, ngành sẽ không để thiếu than cho sản xuất điện. Việc nhập khẩu trên 14,3 triệu tấn để pha trộn với than trong nước, không chỉ giúp TKV đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ cung cấp than cho nền kinh tế trong năm 2024, cân đối về cơ cấu sản phẩm từng vùng than, mà còn đẩy mạnh chiến lược lâu dài của Tập đoàn về đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.