Những năm qua, Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, chung sức thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG). Qua đó góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), biên giới, hải đảo, thu hẹp khoảng cách chênh lệch vùng miền.
Từ xã có nhiều hộ nghèo, đến nay Dân Chủ đã bứt phá vươn lên tốp đầu trong phong trào xây dựng NTM của TP Hạ Long. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của Ủy ban MTTQ xã và các tổ chức chính trị – xã hội trong việc huy động, phát huy sức mạnh khối đoàn kết toàn dân thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM.
Ông Dương Văn Hiệu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Dân Chủ, chia sẻ: Căn cứ đặc thù địa phương, MTTQ xã đã phối hợp, phát huy vai trò của người có uy tín, cán bộ mặt trận tiêu biểu trong công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân thực hiện các chủ trương, nghị quyết của tỉnh, địa phương, chủ đề công tác năm 2023, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn 2021 – 2025”… Thông qua các cuộc họp, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt đoàn thể, đội ngũ cán bộ mặt trận đã tích cực vận động, tập hợp nhân dân tham gia các phong trào thi đua, cuộc vận động, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc Tày; chỉnh trang hạ tầng giao thông. Với sự vào cuộc của đội ngũ cán bộ mặt trận, các tổ chức chính trị – xã hội, vừa qua đông đảo nhân dân đã đồng tình ủng hộ, tình nguyện đóng góp xây dựng tuyến đường trung tâm xã – công trình ảnh hưởng đến 64 hộ dân mặt đường, với khối lượng thi công lớn, nhiều hạng mục.
MTTQ các cấp trong tỉnh còn chủ động phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng, nâng cao chất lượng cuộc sống. Năm 2023 MTTQ tỉnh tiếp tục chủ trì huy động nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ xây mới 313 nhà, sửa chữa 214 nhà ở theo chương trình xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát, tổng trị giá gần 43 tỷ đồng; huy động nguồn lực xã hội và trích Quỹ Vì người nghèo trên 3,3 tỷ đồng hỗ trợ người mắc bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật, người già yếu, người có hoàn cảnh khó khăn phát triển sản xuất… Qua đây đã góp phần thực hiện tiêu chí về thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, phát triển kinh tế nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh. Đến hết năm 2023 Quảng Ninh đã hoàn thành hỗ trợ xây nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn; đang trình Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam xét công nhận 6 huyện (Vân Đồn, Ba Chẽ, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Cô Tô) và 62 xã, phường, thị trấn hoàn thành xây “Nhà Đại đoàn kết”, xóa nhà dột nát cho người nghèo.
MTTQ các cấp trong tỉnh tích cực vận động nhân dân đồng thuận thực hiện GPMB phục vụ thi công nhiều dự án, công trình động lực, quan trọng của tỉnh, góp phần phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Nổi bật: Cầu Cửa Lục 3 (cầu Bình Minh); cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342 nối TP Hạ Long với huyện Ba Chẽ và tỉnh Lạng Sơn, dài 20,9km; đường kết nối từ đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đến cảng Vạn Ninh; đường ven sông kết nối đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến TX Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến TX Đông Triều; các dự án trường học, nhà ở công nhân, nhà ở xã hội…
MTTQ các cấp trong tỉnh thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG. Từ đó đã có những kiến nghị cụ thể để thực hiện hiệu quả. Năm 2023 Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã thực hiện 2 chương trình giám sát về tiến độ các dự án, công trình cấp huyện đăng ký gắn biển chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh và 50.000 suất tái định cư giai đoạn 2021-2030; giám sát về công tác quản lý, sử dụng và khai thác đối với 20 công trình cấp nước tập trung nông thôn. Qua giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã đề nghị Hội đồng đánh giá nghiệm thu tỉnh công nhận, UBND tỉnh phê duyệt 36 dự án, công trình cấp huyện; kiến nghị các địa phương khẩn trương triển khai, đảm bảo 50.000 suất tái định cư đáp ứng yêu cầu công tác GPMB, bố trí tái định cư đến năm 2030 trên địa bàn toàn tỉnh; kiến nghị UBND tỉnh, các đơn vị, địa phương liên quan nhanh chóng khắc phục những bất cập, hạn chế trong quản lý, vận hành, nhằm phát huy hiệu quả khai thác, sử dụng các công trình cấp nước tập trung nông thôn, tăng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh.
Ông Đỗ Khánh Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, khẳng định: Với sự vào cuộc tích cực của MTTQ các cấp, nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện các chương trình MTQG ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, nhiều giải pháp hỗ trợ người dân các xã thôn, bản, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh được triển khai hiệu quả. Cụ thể: Huy động nguồn lực xã hội hóa lớn đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế – xã hội tại các xã vùng sâu, vùng xa; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, kết nối tiêu thụ nông sản trên địa bàn; phối hợp với các lực lượng chức năng phát huy hiệu quả mô hình an ninh cơ sở, giữ vững ANTT, quốc phòng, an ninh.. Từ đây góp phần để người dân được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời những chương trình, dự án, chính sách của Đảng và Nhà nước, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng miền, tạo sự phát triển bền vững của tỉnh.