Công tác bảo vệ môi trường (BVMT) luôn được các cấp uỷ đảng, chính quyền ở Quảng Ninh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt gắn với phát triển kinh tế trên địa bàn.
Trong mục tiêu tổng quát tại Nghị quyết số 20-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 đã nêu rõ việc quản lý chặt chẽ về môi trường, phát triển đô thị bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng…
Nói về chất lượng môi trường, bà Phạm Thị Thanh (khu Minh Khai, phường Cẩm Tây, TP Cẩm Phả) cho biết: Trước đây ở khu Minh Khai, mỗi khi gió mùa Đông Bắc là nhà cửa luôn được phủ trong lớp bụi than. Đi ra đường phải bịt khẩu trang kín mít. Nhưng nhiều năm trở lại đây, môi trường của thành phố được cải thiện rất nhiều. Bụi giảm hẳn, nhà cửa, đường phố sạch sẽ, người dân chúng tôi rất mừng.
Không chỉ bà Thanh, mà hầu hết người dân Quảng Ninh đều cảm nhận chất lượng môi trường trên địa bàn ngày càng được cải thiện và nâng cao, bởi sự quan tâm, đầu tư mạnh của tỉnh và các địa phương trong công tác này. 100% cấp ủy cơ sở đã đưa chỉ tiêu về môi trường vào nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ hằng năm. Đặc biệt, tháng 9/2023, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về BVMT tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, CCN, KCN được thực hiện thường xuyên. Từ năm 2018 đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện, xử lý trên 1.300 vụ việc đối với hơn 1.500 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền xử phạt 27.851,6 triệu đồng; khởi tố, xử lý hình sự 36 vụ đối với 1 tổ chức và 37 cá nhân.
Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn cũng đã chú trọng đầu tư nguồn lực, xây dựng quy chế, chiến lược phát triển doanh nghiệp gắn với công tác BVMT; chủ động kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải, xử lý nước thải, khí thải bảo đảm theo quy chuẩn…
Các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản triển khai nhiều giải pháp BVMT, như: Xây dựng và vận hành các trạm xử lý nước thải tập trung; đầu tư hệ thống ép bùn, lắng lọc và sử dụng tuần hoàn nước, cơ bản không thải ra môi trường tại các nhà máy tuyển than; lắp đặt các máy phun sương dập bụi cao áp; cải tạo, phục hồi môi trường cho các khu vực khai trường, bãi thải cũ đã ngừng hoạt động… Tỉnh đang triển khai quyết liệt lộ trình đóng cửa mỏ, giảm dần và tiến đến chấm dứt khai thác than lộ thiên đối với các dự án tại vùng Hạ Long và Cẩm Phả, tăng dần sản lượng khai thác than hầm lò và hiện đại hóa công nghệ khai thác.
Các đơn vị sản xuất xi măng, nhiệt điện cũng đã triển khai lắp đặt công tơ điện tử để đo điện năng tiêu thụ độc lập của hệ thống lọc bụi tĩnh điện ở các vị trí thuận lợi để cơ quan quản lý và người dân dễ dàng giám sát. Một số đơn vị còn đầu tư lắp đặt hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường tự động; đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý khí bụi; tận dụng tro, xỉ thải nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuất gạch không nung… Qua đó, đã góp phần giảm thiểu phát thải ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên.
Việc kiểm soát ô nhiễm từ các nguồn, chủ động ứng phó với các sự cố môi trường Vịnh Hạ Long cũng được chú trọng. Hiện có 236 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch, 15 doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ kayak, đò chèo tay và 51 doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thủy sản đã ký cam kết không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng một lần trong các hoạt động dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long. Công tác BVMT tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh những năm gần đây đã tạo không gian cảnh quan luôn xanh, sạch, đẹp, thu hút đông đảo du khách bốn phương.
Công tác thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường từng bước được nâng cao. Tỉnh kiên quyết không chấp thuận dự án tiêu tốn năng lượng, nhiên liệu, có tiềm ẩn gây nguy cơ ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch phát triển của tỉnh.
Song song với đó, Quảng Ninh tập trung cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, đảm bảo an ninh nguồn nước. Hiện nay tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đạt 55,01%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 99,9%, trong đó tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn hiện hành đạt trên 70%. Các cấp, ngành và các tổ chức chính trị – xã hội phát động sâu rộng phong trào toàn dân BVMT, triển khai nhiều mô hình hoạt động BVMT.
Những giải pháp BVMT tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện trong năm 2024, từ đó góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, phát triển nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.