Nhiều chiều dư luận bàn tán xung quanh câu chuyện TikToker Vũ Minh Lâm tố chủ quán phở coi thường người khuyết tật. Một số người cho rằng, nam thanh niên “thêm mắm thêm muối” để tạo nội dung bẩn, “câu” tương tác. Nguy hiểm hơn, có người nhận định anh cố tình cài cắm tình tiết để khơi mào tranh luận về phân biệt vùng miền. Vụ việc dấy lên cảnh báo về văn hóa ứng xử cả ở đời thực lẫn trên không gian mạng.
Đâu là sự thật?
Trên mạng xã hội những ngày qua, nhiều thông tin nhiễu loạn xoay quanh sự việc TikToker Vũ Minh Lâm chia sẻ trải nghiệm không tốt tại một quán phở ở Hà Nội. “Mình bị đuổi khỏi quán vì ngồi xe lăn. Lâm và bạn đến tiệm phở, vào quán nhờ nhân viên ra bê mình lên bậc tam cấp. Nhân viên bước ra cửa bảo, quán em không có nhân viên để khiêng người như anh. Thế là hai đứa đi tiệm khác, trong cơn mưa lạnh lòng…”, nam TikToker kể. Anh cho biết, khi đến một quán phở gà quen, chỗ ngồi bé, nên Lâm hơi chen vào chỗ bà chủ ngồi bán hàng ăn. “Bà đứng phắt dậy, mắng nhân viên rằng ai nhận cái ngữ này vào đây ăn. Nhân viên bảo anh ấy hay ăn ở đây, bình thường vẫn ngồi thế này…”, Vũ Minh Lâm kể. Câu chuyện được chia sẻ trên Facebook và lan truyền với tốc độ chóng mặt. Số ít bênh vực nam thanh niên này, phần đông lại tỏ ra nghi ngờ tính xác thực của vụ việc.
Trong sáng 15/1, đại diện Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết đã nắm được thông tin sự việc. Sở vào cuộc và đang xác minh, làm rõ sự việc.
Ngày 15/1, bà Thu (73 tuổi), chủ quán phở gà được TikToker Minh Lâm ghé ăn đã trích xuất camera chia sẻ lại một phần diễn biến vụ việc. Theo những hình ảnh ghi lại, nhân viên quán đã thu dọn đồ, cất gọn ghế và rổ bánh phở tại khu vực sát nơi bà Thu ngồi để nam thanh niên ngồi xe lăn có thể di chuyển vào. Nữ chủ quán bày tỏ, trong suốt 60 năm kinh doanh, thái độ ứng xử của bà với khách ra sao mọi người đều biết rõ. Bà không quan tâm đến câu chuyện Vũ Minh Lâm chia sẻ trên mạng xã hội vì “sự thật vẫn là sự thật, không có chuyện quán đuổi khách vì ngồi xe lăn”. Chủ quán khẳng định, nam TikToker cũng tươi cười, niềm nở thưởng thức món phở tại quán…
Một số người cho rằng, Vũ Minh Lâm “thêm mắm thêm muối” để tạo nội dung, “câu” tương tác trên mạng. Có người nhận định nam TikToker cố tình cài cắm tình tiết để khơi mào tranh luận về phân biệt vùng miền. Ngược lại, có người nghi ngờ quán phở thuê TikToker dùng chiêu trò để quảng cáo.
Sau vụ ồn ào, khách đến quán phở của bà Thu đông hơn hẳn. Còn bài viết của TikToker Vũ Minh Lâm nhận về gần 100 nghìn lượt tương tác.
“Uốn nắn” ứng xử từ đời thực đến cõi mạng
Từ chia sẻ của TikToker Vũ Minh Lâm, cư dân mạng nhắc lại hiện tượng “bún mắng, cháo chửi” ở Hà Nội – khiến không ít du khách đến từ địa phương khác ái ngại. Người làm ở quán phở cũng khẳng định, bà Thu chủ quán đôi khi khó tính hay cách nói chuyện không khéo léo. Đó là biểu hiện cho thấy văn hóa bán hàng cũng cần chấn chỉnh, nếu không muốn để ảnh hưởng tới du lịch, hình ảnh, con người Thủ đô văn minh thanh lịch.
Anh Hoàng Phong, hướng dẫn viên du lịch tại Hà Nội cho biết, nếu khách hàng biết “tẩy chay” những hành động ứng xử thiếu văn minh thì bún “mắng”, cháo “chửi” hay những hiện tượng lệch chuẩn như vừa qua sẽ không có chỗ tồn tại.
Mặt khác, không chỉ văn hóa ứng xử ngoài đời thực, mà văn hóa ứng xử, chia sẻ thông tin trên mạng ảo cũng cần uốn nắn. PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định, sự phát triển quá nhanh của các phương tiện truyền thông mới, với môi trường mạng xã hội được coi là thế giới ảo, cho phép con người được sống trong tình trạng ẩn danh. Điều đó khiến mọi người dễ dàng phát ngôn mà không phải đối mặt với đối tượng tiếp nhận phát ngôn, tránh được áp lực của dư luận xã hội. Mạng xã hội tạo ra không gian mở, là công cụ hữu hiệu để kết nối con người, song cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ từ những nội dung được chia sẻ chưa rõ đúng sai.
“Mạng xã hội khiến chúng ta xem tin tức rất nhanh, đồng thời cũng phản ứng quá nhanh với các tin tức ấy. Hậu quả là chúng ta phản ứng bằng cảm xúc dựa trên cảm tính nhiều hơn lý trí. Đó là cơ chế tạo điều kiện cho người sử dụng mạng xã hội ảo tưởng quyền lực, tự cho mình có quyền của thẩm phán. Đây cũng là nguyên nhân của rất nhiều vấn đề nhức nhối đang xảy ra trên mạng xã hội”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.
Những vấn đề bất thường, kỳ lạ, gây sốc thường nhận được sự quan tâm, hiếu kỳ của công chúng hơn. Nhiều người dựa vào đặc điểm này để tăng tính tương tác đối với trang thông tin của mình. Từ đó, họ thấy mình quan trọng trên không gian mạng và có thể thu về lợi ích kinh tế.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn đề xuất, cần bộ luật riêng cho các hành vi trên mạng xã hội, bởi mọi hiện tượng xã hội luôn cần có luật để điều tiết. “Chúng ta đã có Luật An ninh mạng và Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và một số văn bản khác về quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Tuy nhiên, nhiều người tham gia các hoạt động trên không gian này vẫn vi phạm pháp luật. Nhận thức của người dùng vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong việc hình thành văn hóa ứng xử trên mạng xã hội. Cần hình thành nên một môi trường văn hóa khi sử dụng mạng xã hội, ở đó, những người có ý định làm sai cũng không dám, không muốn, không thể làm sai trên môi trường trong sạch này”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm.
Theo TS Nguyễn Tuấn Anh (Viện Nghiên cứu Thanh niên), việc thanh tra, kiểm soát nền tảng mạng xã hội như TikTok gặp khó do máy chủ đặt ở nước ngoài. Anh đề xuất tuyên truyền sâu, rộng để người dùng hiểu và có ý thức tạo đề kháng, biết cách chọn lọc khi tiếp nhận những sản phẩm văn hóa trên mạng.