Nông nghiệp phát thải thấp có nội hàm cơ bản là quy trình canh tác ưu tiên sử dụng tài nguyên sẵn có trong tự nhiên; không sử dụng phân bón hoá học, thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh, chất phụ gia, chất bảo quản, thậm chí là không sử dụng giống cây trồng vật nuôi biến đổi gen… Sản phẩm đầu ra là những nông sản tốt cho sức khoẻ con người. Tại Quảng Ninh, rất nhiều những mô hình nông nghiệp phát thải thấp đã và đang hình thành, phát triển, nhất là trong lĩnh vực canh tác trồng trọt.
Xã Quảng Long là trung tâm vùng chè của huyện Hải Hà. Cây chè đã gắn bó với người dân nơi đây từ nhiều năm qua, trở thành loại cây chủ lực, cây làm giàu của mỗi gia đình. Từ kinh nghiệm canh tác đã tích luỹ, cũng như yêu cầu của người tiêu dùng, nhất là yêu cầu trong việc sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, người trồng chè Quảng Long đã dần hình thành những mô hình sản xuất có liên kết, mô hình trồng, chăm sóc và chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc theo hướng hữu cơ. Lợi ích của những quy trình sản xuất này là sản phẩm xanh, sạch, thơm, ngon, tốt cho sức khoẻ, được người tiêu dùng tin tưởng.
HTX chè Đường Hoa Cương được hình thành từ nhiều hộ trồng chè như vậy. Tổng sản lượng chè khô của Đường Hoa Cương đưa ra thị trường lên đến hơn 4 tấn mỗi năm, trong đó, những loại sản phẩm chè giá cao nhất là những sản phẩm được chăm sóc và chế biến hoàn toàn bằng hữu cơ và thủ công. Hướng sản xuất chè hữu cơ đang ngày càng được Đường Hoa Cương chú trọng, trở thành sản phẩm chủ lực, là nguồn thu chủ yếu của Đường Hoa Cương.
Như vậy, với chè hữu cơ, Đường Hoa Cương không chỉ sản xuất bền vững và đạt giá trị cao, mà còn đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất của thị trường, bao gồm cả những tiêu chuẩn về bảo vệ đất, nước và không khí.
Tỉnh Quảng Ninh có tổng diện tích trồng trọt trên 62.000ha với hàng chục loại cây trồng chủ lực. Nhằm thích ứng với những biến đổi của khí hậu, Quảng Ninh tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng cây trồng trên cạn, nâng tỷ lệ cơ giới hóa trên đồng ruộng.
Hiện nay, Quảng Ninh đã chuyển đổi hàng trăm héc ta trồng lúa kém hiệu quả, đặc biệt là những chân ruộng nước để chuyển sang trồng các loại cây ăn quả. Tại nhiều vùng trọng điểm nông nghiệp, người dân đã hình thành thói quen cày ải sau thu hoạch để giải phóng các khí có hại trong đất; hạn chế đốt rơm rạ trên đồng ruộng, thay vào đó là sử dụng chế phẩm sinh học để tái sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn thô hoặc phân bón hữu cơ. Những giải pháp trên đều giảm thiểu phát thải khí có hại ra môi trường.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đang tăng cường thực hiện đề án nông nghiệp hữu cơ. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 90ha lúa hữu cơ và nhiều cánh rừng hồi quế hữu cơ, đang hình thành những vườn trà hoa vàng hữu cơ.
Trong mục tiêu đề ra của tỉnh Quảng Ninh, đến năm 2025, phấn đấu toàn tỉnh đạt chuẩn hữu cơ đối với 1% diện tích cây trồng chủ lực, 2% tỷ lệ chăn nuôi đối tượng chủ lực, 1,5% diện tích NTTS chủ lực. Riêng trong lâm nghiệp, mục tiêu của tỉnh là đạt 20% diện tích rừng quế hữu cơ và 70% diện tích cây lâm sản ngoài gỗ đạt chuẩn hữu cơ. Những con số trên thể hiện quyết tâm cao độ của tỉnh Quảng Ninh trong việc phát triển nền nông nghiệp phát thải thấp.
Với những chuyển động rất đáng ghi nhận trong sản xuất nông nghiệp phát thải thấp, nông nghiệp Quảng Ninh đang hướng tới sự phát triển bền vững và giá trị cao. Đây cũng là điểm cộng của Quảng Ninh để góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26), là đến năm 2030 mức phát thải Carbon của Việt Nam sẽ bằng 0.