Thời gian qua, những đảng viên dân tộc thiểu số (DTTS) đã phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu đi đầu trong các phong trào tại địa phương, trở thành cầu nối vững chắc giữa Đảng với nhân dân.
Anh Đàm Văn Triệu là một trong những đảng viên DTTS tiêu biểu xã Thanh Sơn (huyện Ba Chẽ) luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào, hoạt động của địa phương, nhất là trong thực hiện các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, tự lực vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Anh Triệu chia sẻ: Được sự khuyến khích, hỗ trợ của các cấp chính quyền, sự ủng hộ của gia đình, anh đã chuyển đổi 3ha cây keo của gia đình để trồng 2,5ha cây trà hoa vàng, số diện tích rừng đồi còn lại thì trồng cây ba kích, cây mây. Nhận thấy điều kiện về đất đai, khí hậu ở địa phương phù hợp để trồng trà hoa vàng cũng như phát triển chăn nuôi, anh đã mạnh dạn tìm hiểu, học hỏi để phát triển trang trại chăn nuôi gà dưới tán cây trà hoa vàng. Đến nay gia đình anh đã trồng được trên 4.000 gốc cây trà hoa vàng, chăn nuôi trên 1.000 con gà; thu nhập từ 200-300 triệu đồng/năm.
Với cách làm hiệu quả trong phát triển mô hình kinh tế vườn – chuồng – rừng, gia đình anh Triệu trở thành hộ kinh tế giỏi tại địa phương. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Triệu luôn nhiệt tình giúp đỡ người dân xã về kỹ thuật nuôi gà, kinh nghiệm phát triển mô hình kinh tế, từng bước thoát nghèo và làm giàu bền vững. Qua đó góp phần thúc đẩy phong trào thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn minh của đồng bào DTTS ở Thanh Sơn.
Ông Phạm Thế Hiền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, cho biết: Đảng bộ xã hiện có 169 đảng viên, sinh hoạt ở 12 chi bộ, phần lớn là người DTTS. Đảng bộ xã luôn khuyến khích cán bộ, đảng viên phát huy vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế, mạnh dạn đổi mới tư duy, xây dựng thành công các mô hình kinh tế để người dân học tập và nhân rộng. Nhờ phát huy được sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, thu nhập của người dân từ chưa đến 10 triệu đồng/năm 2010 đã tăng lên 66,58 triệu đồng/người/năm 2023. Xã hiện không còn hộ nghèo theo tiêu chí của trung ương.
Ở nhiều địa phương nơi có đông đồng bào DTTS, các đảng viên đã đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại giá trị kinh tế cao; từ đó khuyến khích, động viên người dân tích cực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đảng viên DTTS còn tiên phong, gương mẫu thực hiện và vận động nhân dân thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước do các cấp phát động; đảm bảo ANTT; xây dựng nông thôn mới; hòa giải ở cơ sở; giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án. Từ đó tạo sự đồng thuận, là “cầu nối” gắn kết, chuyển tải kịp thời, đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của người dân tới cấp ủy, chính quyền địa phương, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Ông Lô Ngọc Hòe, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Văn (huyện Bình Liêu), cho biết: Đảng bộ xã hiện có 13 chi bộ với 214 đảng viên; trong đó trên 90% đảng viên là người DTTS. Các đảng viên DTTS luôn ý thức được trách nhiệm, vai trò gương mẫu đi đầu trong tuyên truyền, vận động bà con ổn định đời sống, lao động sản xuất; tích cực xóa bỏ các hủ tục, đẩy lùi các loại tệ nạn xã hội, tham gia hòa giải, giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng; ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo ANTT trên địa bàn. Để hỗ trợ các đảng viên DTTS và sâu sát quần chúng, nhân dân, Đảng ủy xã đã phân công các đảng ủy viên dự sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản. Từ sự gần gũi, lắng nghe, giải quyết kịp thời các ý kiến nhân dân, các đảng viên đã trở thành cầu nối, tạo niềm tin của nhân dân với Đảng.
Bằng tình cảm, sự nhiệt huyết, trách nhiệm, những đảng viên DTTS đã khẳng định và phát huy tốt vai trò nòng cốt, giúp Đảng, chính quyền địa phương triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách, nhất là các chính sách liên quan đến phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS. Đảng viên DTTS chính là sợi dây kết nối bền chặt khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, toàn diện.