Dòng vốn FDI tiếp tục tăng trưởng xuất phát từ niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với chính sách kinh tế vĩ mô ổn định…
Trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) và trở thành quốc gia đã ký kết FTA với tất cả các đối tác kinh tế lớn toàn cầu như Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga… FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Đây là nhận định từ Tổng cục Thống kê.
Dòng vốn FDI tiếp tục tăng trưởng cũng xuất phát từ niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với chính sách kinh tế vĩ mô ổn định; môi trường đầu tư của Việt Nam thông thoáng, an toàn; Chính phủ luôn đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh; nhiều chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp được thực thi hiệu quả.
Mới đây, Fitch Ratings – một tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế, đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng ổn định, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam đang có lợi thế trong thu hút FDI nhờ triển vọng kinh tế tích cực.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh là giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất để Việt Nam ứng phó với tác động tiêu cực và tận dụng cơ hội của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu trong ngắn và dài hạn.
Theo đó, muốn thu hút đầu tư, Việt Nam phải có môi trường kinh doanh cạnh tranh vượt trội so với các quốc gia khác. Vì vậy, cần thực thi quyết liệt, hiệu quả hơn các chương trình cải thiện môi trường kinh doanh; đơn giản hoá thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, giúp giảm chi phí gánh nặng về thủ tục hành chính, tuân thủ pháp luật minh bạch và ít rủi ro hơn; qua đó, tăng tính hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài.
“Trước hết, cần rà soát toàn bộ hệ thống thuế, đồng thời tính đến chính sách thuế dài hạn hơn trong mục tiêu chung là chống xói mòn cơ sở thuế và chống chuyển lợi nhuận. Với trường hợp cần thiết, có thể cân nhắc ưu đãi dựa trên chi phí mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đang khuyến nghị”, ông Phan Đức Hiếu cho biết.