“Bình minh đang lên” là “đứa con” đầu lòng của Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh (QMG) trên lĩnh vực phim truyện truyền hình. Lộ trình từ khi “thai nghén” đến khi ra mắt và được công chúng yêu thích có nhiều vất vả, gian nan cùng sự bỡ ngỡ, nhưng cũng rất đỗi tự hào.
Tôi và nhà báo Trần Minh, Trưởng Phòng Văn nghệ – Thể thao – Giải trí là những người đồng hành cùng biên kịch Phạm Công Trình ngay từ những ngày đầu rong ruổi đi tìm ý tưởng viết kịch bản. Chúng tôi đã đi hầu hết các địa phương trong tỉnh, đưa nhà biên kịch Phạm Công Trình đến những vùng đất anh chưa từng đến, những lễ hội đặc sắc dịp đầu năm, gặp những già làng, trưởng bản, nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian để lắng nghe những câu chuyện của họ. Chúng tôi đã góp ý bổ sung cho biên kịch Phạm Công Trình nhiều chi tiết để hoàn thiện phác thảo kịch bản.
Để có được kịch bản hoàn thiện, phác thảo kịch bản ban đầu phải trải qua quá trình nhiều lần chỉnh sửa, thẩm định. Hội đồng thẩm định gồm nhiều nhà văn, nhà biên kịch, nhà quản lý văn hóa, điện ảnh và truyền hình. Từ cái tên phim, tên nhân vật, đặc điểm nhân vật, đến những hình ảnh dự kiến đưa vào phim đều được các thành viên hội đồng quan tâm góp ý, chỉ đạo cặn kẽ. Biên kịch Phạm Công Trình nhớ lại: Việc hoàn thiện kịch bản trong một thời gian ngắn quả là vất vả. Tôi với chị Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh, đã từng phải thức thâu đêm cùng chỉnh sửa để kịp tiến độ trước khi chị phải đi công tác vào sáng sớm hôm sau.
Quảng Ninh có quá nhiều đề tài, chất liệu có thể khai thác, tuy nhiên việc chọn lọc, đưa vào kịch bản phim như thế nào lại là một bài toán khó. Nhà báo Nguyễn Thị Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh, giải thích: “Bình minh đang lên” là một bộ phim quảng bá, nên không có những tình tiết gay cấn, mà bằng các tình huống nhẹ nhàng, lời thoại sâu sắc của nhân vật, đặc biệt là qua các bối cảnh quay để giới thiệu, quảng bá về tỉnh Quảng Ninh với thiên nhiên tươi đẹp, kinh tế phát triển, văn hóa đặc sắc, xã hội văn minh, nhân dân hạnh phúc.
Quá trình hoàn thiện kịch bản được thực hiện song song với việc chọn bối cảnh. Những cảnh đẹp nhất của Quảng Ninh đều đã được khảo sát để có thể đưa vào phim một cách hợp lý nhất. Biên kịch, đạo diễn và tổ chức sản xuất phải ghi chú từng cảnh quay để sắp xếp quay phim cuốn chiếu theo từng bối cảnh, chứ không theo tập, nhằm tiết kiệm thời gian di chuyển.
Sau khi hoàn thiện kịch bản và chọn được bối cảnh, đoàn làm phim lập tức thực hiện giai đoạn quay tiền kỳ. Có cảnh quay nhiều, cảnh quay ít, nhưng đoàn phim lúc nào cũng duy trì khoảng 40 con người, gồm đạo diễn, biên kịch, giám đốc hình ảnh, các quay phim, tổ chức sản xuất, hóa trang, phục trang, diễn viên, trợ lý… mỗi người một chức năng, một nhiệm vụ khác nhau.
Có những lúc đoàn thiếu người, cán bộ, phóng viên QMG kiêm luôn cả vấn đề của người tổ chức bối cảnh, họa sĩ thiết kế và cả việc chọn đạo cụ. Phó Giám đốc Nguyễn Thị Thiện và chúng tôi phải xuống tận xưởng chế tác than đá của cơ sở Quyết Bình để đặt và theo dõi quá trình chế tác chiếc nhẫn đạo cụ bằng than để nhân vật nam chính làm vật đính ước cầu hôn nữ chính.
Do thời gian khá eo hẹp, nên công đoạn quay tiền kỳ được tiến hành song song với việc dựng phim và xử lý hậu kỳ tại Hạ Long. Một phòng làm việc ở tầng 5 của Phòng Văn nghệ – Thể thao – Giải trí đã biến thành đại bản doanh của anh em dựng phim, hậu kỳ. Sau mỗi ngày quay tiền kỳ sẽ có người mang ổ cứng dữ liệu về để dựng. Phim được dựng theo tiến độ quay. Xong xuôi đâu đấy tất cả mới ráp nối thành các tập theo kịch bản. Để hình ảnh lung linh hơn, đẹp mắt hơn, đội ngũ kỹ thuật, giám đốc hình ảnh và đạo diễn còn phải tiếp tục xử lý kỹ xảo, tốn nhiều thời gian và công sức sau đó.
Bộ phim đã nhận được sự đón đợi, cổ vũ và yêu thích của một lượng lớn khán giả, trong đó có nhiều khán giả trẻ. Đó là niềm động viên to lớn đối với cán bộ, phóng viên và người lao động của QMG đã tham gia vào quá trình sản xuất phim.
Nhà báo Mai Vũ Tuấn, Giám đốc – Tổng Biên tập Trung tâm Truyền thông tỉnh, chia sẻ: Bộ phim là niềm tự hào của chúng tôi, những người tổ chức thực hiện dự án phim. Ngay từ tháng 2/2023, chúng tôi bắt đầu hợp tác với các đơn vị có kinh nghiệm sản xuất phim để nghiên cứu xây dựng bộ phim. Đây là lần đầu tiên QMG chính thức sản xuất phim có quy mô, có ý nghĩa sâu sắc như vậy. Sau 9 tháng, chúng tôi đã có 20 cuộc họp trực tiếp lẫn trực tuyến, góp ý từ kịch bản đến hoàn thành bộ phim. Đây là bộ phim khởi quay trong 63 ngày trên địa bàn rộng gồm 7 địa phương từ Đông Triều đến Móng Cái. Những địa danh, cảnh quan đẹp, văn hoá đặc sắc mà bộ phim muốn giới thiệu đều đã được thực hiện. Bộ phim có sự hỗ trợ của các địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp của TKV và Tổng Công ty Đông Bắc với tổng cộng 35 doanh nghiệp, có 6 gia đình đồng ý cho sử dụng nhà riêng để làm cảnh quay.
Cũng theo nhà báo Mai Vũ Tuấn, đây là bộ phim được đánh giá như phim truyện nhựa vì tính chất, quy mô và cách thức tổ chức thực hiện rất công phu, quay nhiều ở hiện trường, mang tính quảng bá rộng lớn. Khi đóng máy hoàn thiện, nhìn lại quá trình thực hiện mọi thành viên đều hết sức tự hào bởi trong một thời gian không dài nhưng đã quy tụ khá đông đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên, doanh nghiệp, người dân cùng đồng hành sản xuất phim.
Sự thành công của bộ phim đã mở ra hướng đi mới trong việc phát triển công nghiệp giải trí, công nghiệp văn hóa ở TP Hạ Long phù hợp với định hướng phát triển thành phố sáng tạo, thành phố của ẩm thực và truyền thông. Nghệ sĩ Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc hình ảnh của bộ phim, chia sẻ: Chúng tôi mong muốn phim này sẽ dự các liên hoan, thi “Cánh Diều Vàng” của năm 2024. Trong tương lai, chúng tôi mong muốn ở TP Hạ Long có con đường ngôi sao quy tụ các nghệ sĩ, diễn viên điện ảnh, trong đó có những người đã tham gia các dự án phim tại Quảng Ninh.
Còn quá nhiều chuyện bếp núc của quá trình sản xuất phim khó có thể kể hết ra đây cho được. Chỉ biết, bộ phim “Bình minh đang lên” là sản phẩm đầu tay khẳng định sự nỗ lực rất lớn và niềm tự hào vô bờ của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên, kỹ thuật viên QMG sau 5 năm kể từ ngày sáp nhập về cùng một mái nhà chung.