Những tín hiệu tích cực cho ngành dệt may đã bắt đầu xuất hiện, dù vẫn còn nhiều khó khăn bủa vây.
Các doanh nghiệp xuất khẩu chấp nhận giảm lợi nhuận, nhận cả đơn hàng nhỏ lẻ để duy trì doanh thu, giữ chân người lao động, chờ thị trường khởi sắc trở lại.
Tại buổi họp công bố hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex) diễn ra ngày 8-1-2024, ông Cao Hữu Hiếu, tổng giám đốc Vinatex, cho biết dù ngành dệt may đang phải đối mặt với khó khăn chưa từng có, nhưng với việc cố gắng duy trì doanh thu và giảm lợi nhuận để giữ chân 62.000 lao động, kỳ vọng tình hình thị trường sẽ tích cực trở lại vào quý 2 năm nay.
Nhiều dấu hiệu tích cực trở lại
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Hiếu cho biết mọi dự báo đối với ngành dệt may đều rất khó lường. Tuy vậy, tình hình đang có những dấu hiệu tích cực trở lại khi số lượng đơn đặt hàng nhiều hơn ở thị trường tiêu thụ dệt may lớn của thế giới là Mỹ.
Điều này mở ra kỳ vọng sẽ giúp cho bức tranh tiêu dùng toàn cầu ấm hơn, kích cầu toàn bộ hệ thống và sản xuất sẽ khởi sắc trở lại.
Cũng theo ông Hiếu, ngành dệt may vừa trải qua một năm được đánh giá là “khó nhất từ trước đến nay”. Nếu không tính năm 2020, đại dịch COVID-19 khiến toàn thế giới “đóng cửa”, 2023 là năm đầu tiên kể từ khi thành lập tập đoàn, cũng là năm đầu tiên kể từ khi ngành dệt may VN xuất khẩu ra thế giới, kim ngạch xuất khẩu đã giảm gần 10%.
Dù vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương với doanh thu là 17.225 tỉ đồng (tăng 4,4%) và lợi nhuận trước thuế đạt 377 tỉ đồng (chỉ tăng 1,9%), nhưng kết quả này không như kỳ vọng.
“Tập đoàn đã dự báo sát diễn biến thị trường, đưa ra những kịch bản nhưng không nghĩ rằng kịch bản xấu nhất đã diễn ra, dù chúng tôi đã có nhiều biện pháp”, ông Hiếu cho rằng khó khăn này sẽ tiếp tục vào đầu năm 2024 và chỉ hy vọng khả quan vào nửa cuối năm.
Trong năm 2024, theo ông Vương Đức Anh – chánh văn phòng Vinatex, các dự báo đều cho thấy những hy vọng nền kinh tế thế giới có sự cải thiện. Trong đó, tại thị trường Mỹ, với tín hiệu có thể có ba đợt cắt giảm lãi suất lên tới 0,75%, sẽ là động lực thúc đẩy tiêu dùng trở lại. Các quốc gia cạnh tranh gặp nhiều vấn đề về lao động, xung đột vũ trang ở trong nước… nên các đơn hàng có khả năng sẽ quay lại VN.
Dù thu nhập ngành dệt may VN chỉ thấp hơn Trung Quốc nhưng cao gấp 3 lần Bangladesh, 2 lần Ấn Độ và gấp 1,8 lần Campuchia, nhưng theo ông Đức Anh, trong năm 2024, VN sẽ có nhiều lợi thế hơn khi các nước không còn nhiều dư địa để cạnh tranh về giá liên quan tới giá nhân công và tỉ giá, do một số nước tăng mạnh lương tối thiểu từ cuối năm 2023, trong khi VN có lợi thế là năng suất và chất lượng của doanh nghiệp VN có thể cao hơn bình quân 10 – 15%.
“Trong khi đó, kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, dự báo tăng trưởng GDP cao hơn 2023, cùng các chính sách giảm thuế VAT, giảm lãi suất sẽ giúp đầu tư, tiêu dùng tiếp tục phục hồi”, ông Đức Anh kỳ vọng.
Chuyển đổi, thích nghi với yêu cầu mới
Cũng theo ông Đức Anh, thời gian gần đây các doanh nghiệp dệt may đã nhận được các đơn hàng tích cực hơn. Tuy nhiên, do đơn giá còn rất thấp, mức giảm trung bình 30%, cá biệt có nơi 50%, nên doanh nghiệp sẽ có lựa chọn ưu tiên.
Theo đó, các doanh nghiệp sẽ cân nhắc việc nhận các đơn hàng lớn kéo dài từ 3-6 tháng với giá thấp, thay vào đó là nhận đơn hàng ngắn ngày nhưng có giá tốt hơn để nâng cao hiệu quả hoạt động.
“Trước đây, đơn hàng CM (chi phí cắt và may thành phẩm – PV) làm trong 40 ngày nhưng giờ chỉ 10 ngày, làm được thì có đơn hàng, không làm được thì thôi. Dù vậy chúng tôi vẫn phải làm, vì đó là ngách, con đường để chúng tôi vượt qua áp lực cạnh tranh về giá”, ông Đức Anh nói.
Tuy nhiên, với kỳ vọng thị trường ấm trở lại vào nửa cuối năm, nhiều doanh nghiệp nhận các đơn hàng nhỏ, có tính cạnh tranh giá cao để duy trì hoạt động thay vì nhận đơn hàng cho 6 tháng đang có giá rất thấp.
Cùng với việc nhận các đơn hàng nhỏ lẻ có đơn giá cao hơn để cạnh tranh, nhiều đơn vị của Vinatex cũng tập trung đầu tư để thực hiện chuyển đổi, “xanh hóa” ngành dệt may.
Theo ông Hiếu, chiến lược “xanh hóa” đã được tập đoàn đưa ra từ 10 năm trước, nên đã có nhiều nhà máy lắp đặt được các hệ thống điện áp mái, sản xuất sản phẩm từ năng lượng mặt trời với hơn 25 triệu kWh trong năm 2023.
Các doanh nghiệp ngành may cũng đã chuyển đổi lò đốt hơi sử dụng nguyên liệu hóa thạch sang lò hơi điện, giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn về ESG (gồm môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp), tập trung các chỉ tiêu xanh, sản xuất sạch và nguyên liệu, sản phẩm tuần hoàn.
Các doanh nghiệp dệt may cũng liên tục cập nhật những yêu cầu về xanh hóa của các thị trường tiêu thụ lớn như thuế biến đổi carbon, yêu cầu về phát triển bền vững, thẩm định chuỗi cung ứng…
“Các giải pháp mà chúng tôi đưa ra là kiên định mục tiêu tham gia vào chuỗi cung ứng với vị thế vững chắc, là đối tác ưu tiên của các nhà sản xuất – phân phối lớn trên thế giới. Xây dựng tập đoàn với định hướng là một điểm đến cung ứng giải pháp trọn gói về dệt may và thời trang xanh.
Thực hiện các cam kết và sáng kiến về môi trường, xã hội, quản trị công ty (ESG) và có những dự báo về thị trường để có giải pháp thích ứng linh hoạt với biến đổi của thị trường”, ông Hiếu nói.