Với các quy định cấm xuất, nhập vàng cũng như độc quyền nhãn hiệu vàng miếng SJC đã khiến cung – cầu vàng trong nước luôn mất cân đối.
Nhiều chuyên gia kiến nghị cần thiết phải sửa đổi các quy định của Nghị định 24/2012/NĐ-CP để phù hợp với quản lý thị trường vàng hiện nay.
Giá vàng SJC cao ngất ngưởng
Không thể phủ nhận Nghị định 24 đã góp phần quan trọng trong việc chống “vàng hóa”, chống “đô la hóa” nền kinh tế và nâng cao giá trị tiền đồng. Sau hơn 10 năm triển khai Nghị định 24, tình trạng người dân đổ xô đi mua hay bán vàng đã không còn như trước kia, tâm lý đầu cơ tích trữ vàng đã giảm. Đến nay, kinh tế vĩ mô đã ổn định, lạm phát được kiểm soát, Nghị định 24 cần phải sửa đổi để phù hợp với thực tiễn.
Nghị định 24 quy định: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quản lý hoạt động xuất, nhập khẩu vàng miếng nhưng từ năm 2014, không cấp phép nhập khẩu vàng để sản xuất vàng miếng. Do vậy, nguồn cung vàng nguyên liệu bị hạn chế, giá vàng SJC trong nước luôn đắt đỏ. Có thời điểm, giá vàng quốc tế rẻ hơn vàng SJC lên tới 20 triệu đồng/lượng khiến người mua vàng trong nước phải chịu thiệt vì độc quyền vàng SJC. Nghị định 24 ra đời khi giá vàng thế giới ở mức 1.670 USD/ounce và giá vàng trong nước khoảng 42,5 triệu đồng/lượng. Nếu trước đây, chênh lệch vàng thế giới và vàng trong nước ở mức 2 triệu đồng/lượng thì nay có thời điểm trên 18 triệu đồng, thậm chí là gần 20 triệu đồng/lượng.
Chuyên gia ngân hàng, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: Không phải giá vàng tại thị trường Việt Nam chênh lệch so với thị trường thế giới, mà chỉ riêng vàng miếng SJC mới có tình trạng này. “Việc này là bình thường, dễ hiểu, đúng với quy luật cung cầu thị trường. Vì từ khi Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, loại vàng miếng SJC duy nhất này chỉ được đúc một lần duy nhất vào năm 2013, mà không được tiếp tục sản xuất thêm nên trở thành mặt hàng có thương hiệu khan hiếm”, ông Trương Thanh Đức cho biết.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, không có doanh nghiệp nào được đặc ân hưởng lợi từ việc giá vàng miếng SJC đắt hơn so với các loại vàng khác, vì nó là thương hiệu thuộc sở hữu Nhà nước, chứ không phải thuộc sở hữu của Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC. Do vậy, các doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng đều được phép mua, bán vàng SJC. “Giá vàng SJC cao chủ yếu là do yếu tố tâm lý chứ không phải yếu tố kinh tế tác động đến cung cầu. Đơn giản là người dân muốn sở hữu loại vàng này, khi mua vào phải trả giá cao, khi bán ra thu về với giá cao hơn, dù cùng trọng lượng và hàm lượng vàng so với loại vàng khác”, ông Trương Thanh Đức phân tích.
Để không còn độc quyền
Ngay sau công điện của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về các giải pháp quản lý thị trường vàng, đại diện NHNN cho biết: Sẽ nghiên cứu sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng ngay trong tháng 1/2024.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết: Công điện của Thủ tướng chỉ đạo việc chấn chỉnh và bình ổn thị trường vàng là rất cần thiết và kịp thời trước diễn biến giá vàng thời gian qua, nhất là hiện tượng giá vàng SJC có mức chênh lệch quá lớn với giá thế giới. Nếu tiếp tục để diễn biến giá như vậy, người dân có nhu cầu mua bán vàng sẽ bị thiệt.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, để không còn độc quyền, đẩy giá thương hiệu vàng SJC, Việt Nam cần cho phép các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức nhập khẩu nguyên liệu, xem vàng nữ trang là mặt hàng kinh doanh bình thường, thay vì là mặt hàng kinh doanh có điều kiện như hiện nay.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh: “Để hạn chế ‘vàng hóa’, ‘đôla hóa’ nền kinh tế, chúng ta cần hướng tới phát triển một thị trường lành mạnh và hạn chế đầu cơ vàng. Trong đó cần mạnh dạn thay đổi tư duy quản lý thị trường vàng, quán triệt các nguyên tắc quản lý trong nền kinh tế thị trường. Đó là NHNN chỉ thực hiện chức năng quản lý và hoạch định chính sách, điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng theo Pháp lệnh ngoại hối, Luật NHNN, Luật Các tổ chức tín dụng mà không tham gia sản xuất kinh doanh hoặc điều tiết thị trường bằng các biện pháp hành chính, không trực tiếp can dự việc kinh doanh của các doanh nghiệp.”
Theo ông Ngô Trí Long, NHNN nên trả vàng về cho thị trường, tức là để cho thị trường – các công ty kinh doanh vàng tự xuất và tự nhập, còn NHNN chỉ làm nhiệm vụ giám sát về khối lượng. “Cần phải tăng nguồn cung để cân đối cầu của thị trường. Nghị định 24 với vai trò cấp phép nhập khẩu vàng của NHNN và SJC sản xuất cần phải có giấy phép của NHNN. Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta cho nhập khẩu vàng, từ đó gia công chế biến SJC tạo ra nguồn cung thì chắc chắn khoảng cách thu hẹp sẽ được kéo xuống”, ông Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia kiến nghị.
Nhiều ý kiến cho rằng, về lâu dài không chỉ với SJC mà cả các thương hiệu vàng khác, Nhà nước cần có chính sách tạo nguồn cung, bên cạnh lượng vàng nhập khẩu về để chế tác, gia công hàng mỹ nghệ có thể xuất được. Trước biến động tăng mạnh của giá vàng trong nhiều ngày qua, lãnh đạo NHNN cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng. NHNN khuyến cáo người dân nên thận trọng trong giao dịch vàng.
Trước biến động tăng mạnh của giá vàng trong nhiều ngày qua, lãnh đạo NHNN cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng. NHNN khuyến cáo người dân nên thận trọng trong giao dịch vàng.