Những năm qua, TP Móng Cái đã có nhiều nỗ lực để phát triển ngành “công nghiệp không khói” trên cơ sở khai thác hiệu quả, bền vững những lợi thế riêng có. Đề án phát triển du lịch Móng Cái đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định mục tiêu xây dựng Móng Cái trở thành “thành phố du lịch xanh, thông minh, thân thiện và an toàn”, một trong những trung tâm du lịch hiện đại của tỉnh, làm tiền đề thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh vừa có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND TP Móng Cái xung quanh việc phát triển du lịch biên giới, cửa khẩu được coi là lợi thế của du lịch Móng Cái.
+ Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về những lợi thế của TP Móng Cái trong phát triển du lịch?
– Chúng ta đều biết Móng Cái là thành phố nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc, với địa thế đặc biệt quan trọng; là thành phố cửa khẩu quốc tế “ven biên, ven biển”, có vị trí chiến lược trong khu vực “Hai hành lang, một vành đai”, là trung tâm kinh tế động lực của vùng kinh tế biển Bắc Bộ, là cầu nối quan trọng trong sự giao thoa, kết nối phát triển nói chung cũng như với các điểm du lịch lớn giữa tỉnh Quảng Ninh với các tỉnh, thành phố lớn trong và ngoài nước.
TP Móng Cái còn được biết đến là vùng đất luôn hội tụ đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa, được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng với rất nhiều dư địa để phát triển và những di sản văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Với đường biên giới đất liền dài, dọc tuyến biên giới đất liền có nguồn tài nguyên thiên nhiên văn hóa đa dạng, hấp dẫn là những tiềm năng, lợi thế lớn để Móng Cái là một trong những trung tâm du lịch lớn của tỉnh Quảng Ninh, là trọng điểm kết nối với TP Đông Hưng (Trung Quốc) và các nước ASEAN, tạo ra những sản phẩm du lịch biên giới đặc sắc, riêng có. Móng Cái còn có du lịch tuyến đảo, sở hữu nhiều cơ sở phục vụ hoạt động thể thao, vui chơi giải trí, trong đó sân golf Vĩnh Thuận đang được một số đơn vị lữ hành đưa vào khai thác tạo nên tour du lịch golf độc đáo, hấp dẫn của Quảng Ninh.
Thành phố hiện có 4 tuyến, 15 điểm du lịch được tỉnh công nhận. Các tuyến, điểm này nằm trong sự lựa chọn của nhiều du khách khi đến Quảng Ninh, Móng Cái. Là thành phố vùng biên, có nhiều mặt hàng đặc sắc, Móng Cái đã tận dụng tối đa thế mạnh của 14 chợ, 4 trung tâm thương mại trên địa bàn để phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách.
Tuyến cao tốc dọc tỉnh Quảng Ninh đi vào khai thác, càng mở ra thêm nhiều điều kiện thuận lợi để Móng Cái đẩy mạnh phát triển du lịch. Đặc biệt, từ ngày 21/2/2023, cặp cửa khẩu Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc) hoạt động trở lại, cư dân hai bên biên giới và các thương nhân đã qua lại giao thương, buôn bán.
+ Du lịch biên giới ở Móng Cái những năm qua đã được phát triển ra sao, thưa bà?
– Thúc đẩy du lịch biên giới là yếu tố cần thiết, không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh vùng biên, mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế – xã hội nói chung của đất nước. Đồng thời, thúc đẩy giao lưu văn hóa, tăng cường hợp tác hữu nghị. Vấn đề được đặt ra lúc này là hoạt động du lịch biên giới qua cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái – Đông Hưng cần có những giải pháp, định hướng gì để thúc đẩy hơn nữa hoạt động du lịch biên giới, kích cầu thu hút khách du lịch quốc tế nói chung và khách du lịch Trung Quốc nói riêng đến với Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh, TP Móng Cái, cũng như khách du lịch Việt Nam đi du lịch Trung Quốc và các nước trong khu vực.
Gần đây nhất, chúng tôi phối hợp với TP Đông Hưng tổ chức một diễn đàn hợp tác du lịch quốc tế qua cặp cửa khẩu để tập trung đánh giá thực trạng, nhận diện lợi thế, khó khăn thách thức, cơ hội cũng như đề xuất các giải pháp cơ chế chính sách kích cầu du lịch, hợp tác đẩy mạnh hoạt động du lịch biên giới. Đồng thời, ký kết thỏa thuận các hợp tác du lịch về khai thác khách Việt Nam sử dụng thông hành đi tham quan du lịch TP Đông Hưng; khai thác khách Trung Quốc sử dụng sổ thông hành đi du lịch Móng Cái và khai thác sản phẩm xe du lịch tự lái để các doanh nghiệp hai bên liên doanh, liên kết mở rộng thị trường, tăng cường hoạt động xúc tiến, mở rộng đầu tư và phát triển du lịch.
+ Những kết quả đáng mừng của du lịch Móng Cái năm 2023 được thể hiện qua những con số cụ thể như thế nào, thưa bà?
– Năm 2023, chúng tôi đã vượt chỉ tiêu đón khách du lịch qua cửa khẩu. Kết quả thực hiện mục tiêu chỉ tiêu có những bước phát triển vượt bậc. Thành phố tích cực phối hợp với các sở, ngành trong, ngoài tỉnh với phía TP Đông Hưng để phát huy tiềm năng lợi thế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hãng lữ hành. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mới, tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch đưa các đoàn khách đến Móng Cái.
+ Vậy, định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới của Móng Cái sẽ là…
– Móng Cái xác định du lịch là mũi nhọn nên thành phố tập trung hàng loạt các giải pháp đẩy mạnh du lịch bền vững, du lịch bốn mùa, nhất là mùa thu đông và dịp tết năm nay chúng tôi đã và đang triển khai hàng loạt biện pháp kích cầu du lịch, tổ chức nhiều hoạt động văn hoá văn nghệ, thể thao gắn với tiềm năng thế mạnh của thành phố để phát triển các sản phẩm du lịch mới.
Đồng thời, chúng tôi cũng quan tâm nâng cao những gì đã có xây dựng các sản phẩm gắn với nhóm có lợi thế như: Du lịch biên giới, du lịch xe tự lái, du lịch ẩm thực, du lịch văn hoá tâm linh, du lịch thể thao, du lịch golf, ẩm thực Việt – Trung; sản phẩm du lịch văn hoá, sinh thái, trải nghiệm cộng đồng gắn với phiên chợ Pò Hèn, phát triển du lịch gắn với mua sắm hàng địa phương nhằm quảng bá cho du khách biết đến những sản phẩm độc đáo của thành phố, chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên văn hoá các sản phẩm dịch vụ của thành phố.
Chúng tôi triển khai du lịch biên giới từ khi mở lại hoạt động xuất nhập cảnh để nhân dân xuất nhập cảnh thuận lợi nhất báo cáo các sở, ngành triển khai các giải pháp qua cửa khẩu Bắc Luân II, triển khai xe du lịch tự lái. Với lợi thế vùng biên, thành phố cũng đã đẩy mạnh công tác đối ngoại, hợp tác, phát triển du lịch biên giới với Trung Quốc thông qua các hoạt động như: Hội đàm trao đổi các nội dung liên quan thúc đẩy phát triển du lịch, phối hợp chuẩn bị chương trình chiêu thương, khảo sát du lịch. Thành phố cũng chủ động trao đổi đề nghị sớm có biện pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập đang diễn ra tại cửa khẩu phía Đông Hưng, các tình huống phát sinh trong hoạt động lữ hành biên giới.
+ Từ góc độ quản lý nhà nước về du lịch, bà cho biết thành phố đã có sự chuẩn bị như thế nào để nắm bắt cơ hội phát triển du lịch?
– Móng Cái hiện có hơn 200 đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú với trên 3.000 phòng, trong đó có gần 30 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1-5 sao. Các cơ sở lưu trú du lịch duy trì chất lượng dịch vụ, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho đội ngũ nhân viên, đáp ứng tốt chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước.
Để đảm bảo chất lượng dịch vụ, thành phố cũng sẽ rà soát thường xuyên và bảo dưỡng định kỳ hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, tiện nghi phục vụ khách đảm bảo chất lượng, an toàn phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường; thực hiện nghiêm các quy định về niêm yết và thực hiện đúng giá niêm yết, nghiêm cấm tùy tiện tăng giá, ép giá, găm giữ dịch vụ, gây sốt giá ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch Móng Cái.
Cùng với đó, tập trung truyền thông, quảng bá, xúc tiến và nhận diện thương hiệu du lịch; chủ động công tác đối ngoại, phối hợp chặt chẽ với TP Đông Hưng và TP Phòng Thành (Quảng Tây, Trung Quốc) trong công tác quản lý, phát triển hoạt động du lịch biên giới. Với tất cả những sự chuẩn bị đó, chúng tôi tin tưởng du lịch Móng Cái có những bước phát triển vượt trội đứng vào tốp phát triển mạnh trong khu vực và trên thế giới.
+ Cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn!