Nhằm góp phần giảm nhanh khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng miền, thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều chính sách ưu tiên phát triển sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo.
Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành nghị quyết chuyên đề là Nghị quyết 19-NQ/TU (ngày 28/11/2019) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Ngay sau đó, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND (ngày 24/3/2021) về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Bám sát mục tiêu các nghị quyết này, tỉnh đã chỉ đạo tập trung phát triển rừng bền vững theo quy hoạch 3 loại rừng, trong đó tập trung quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, chuyển loại rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, phát triển rừng gỗ lớn, chế biến lâm sản, quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng.
Đến nay, tỉnh đã giao đất, giao rừng với 275.302,19ha; cho thuê đất, thuê rừng được 53.079,31ha; triển khai xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững, thực hiện cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Đặc biệt, thực hiện chính sách đặc thù khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, qua 2,5 năm triển khai trên địa bàn huyện Ba Chẽ và TP Hạ Long đã có 1.016 hộ gia đình, cá nhân tham gia chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa với tổng diện tích 1.656,2ha; tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện chính sách gần 34,4 tỷ đồng. Đã có 310 hộ gia đình, cá nhân vay gần 13,2 tỷ đồng vốn với lãi suất ưu đãi qua Ngân hàng CSXH tỉnh để triển khai thực hiện. Kết quả bước đầu trong triển khai Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND đã đóng góp tích cực vào kết quả phát triển diện tích rừng trồng gỗ lớn, cây bản địa, nâng cao chất lượng rừng trồng của tỉnh.
Giai đoạn 2021-2022, toàn tỉnh đã trồng được 5.102ha cây gỗ lớn, cây bản địa; trung bình trồng 2.551ha/năm, bằng 304% so với giai đoạn 2017-2020. Năm 2023, trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh đạt 13.612,87ha, trong đó trồng rừng sản xuất đạt 13.231,5ha; trồng rừng phòng hộ đạt 381,5ha. Riêng trồng rừng lim, giổi, lát đạt 1.075,3ha… Góp phần duy trì tỷ lệ che phủ rừng 55%.
Những cánh rừng được hình thành từng bước mang lại lợi ích kinh tế cho các hộ gia đình, tạo công ăn việc làm, giúp giảm nghèo cho bà con DTTS ở miền núi, hải đảo; góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ con người trước thiên tai, bão lũ. Anh Triệu Tài Kim (thôn Tàu Tiên, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi tập trung trồng cây keo, còn thời gian rảnh thì đi làm thuê… nhưng thu nhập bếp bênh. Từ khi được hỗ trợ vốn và cây giống từ chương trình của tỉnh, gia đình tôi đã chuyển sang trồng quế. Đến nay, quế đã được thu hoạch, gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định, có điều kiện chăm lo cuộc sống ngày một tốt hơn…
Bên cạnh chính sách trồng rừng, chương trình OCOP cũng được triển khai sâu rộng, nhất là ở địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào DTTS của tỉnh. Đến nay, trên sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh đang quảng bá, giới thiệu 334/334 sản phẩm OCOP Quảng Ninh đạt chuẩn 3-5 sao. Hết năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 100 sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao (tăng 65 sản phẩm so với năm 2022), trong đó có 4 sản phẩm chứng nhận đạt 5 sao; 100% sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3-5 sao được đưa lên sàn thương mại điện tử; có 219 chủ thể sản xuất tham gia chương trình OCOP, trong đó vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo có 76 sản phẩm tham gia chu trình của 76 cơ sở với 62 sản phẩm đạt 3 sao và 14 sản phẩm đạt 4 sao. Hiện Sở KH&CN tiếp tục triển khai 25 nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng của các sản phẩm ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 569/QĐ-UBND (ngày 7/3/2023) phê duyệt Đề án phát triển du lịch bền vững gắn giảm nghèo và phát triển kinh tế – xã hội huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030; ban hành kế hoạch về thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa 4 làng DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025. Chủ trương này góp phần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế du lịch của địa phương vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới của tỉnh; tạo điều kiện, động lực để vùng khó có điều kiện phát huy thế mạnh, phát triển kinh tế. Đặc biệt, năm 2023, hội thảo khoa học “Quảng Ninh nhận diện và phát huy các giá trị văn hóa, con người, tạo nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững” do Tỉnh ủy phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức là cơ sở quan trọng để các sở, ngành, địa phương nhận diện, phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, đưa văn hóa của đồng bào các DTTS thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc, độc đáo của tỉnh trong thời gian tới.
Với nhiều chính sách thiết thực, năm 2023, toàn tỉnh có 165 hộ thoát nghèo và giảm 1.145 hộ cận nghèo; thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt trên 73 triệu đồng/người/năm (tăng trên 27 triệu đồng/người/năm so với năm 2020, tăng trên 18 triệu đồng/người/năm so với năm 2022).