Năm 2023, tổng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng của Quảng Ninh chỉ tăng 4,4% so với năm 2022. Mức độ tăng trưởng chậm được xác định do hoạt động xuất – nhập khẩu một số mặt hàng chủ lực thời gian qua chững lại, tăng trưởng chủ yếu có được tại các mặt hàng năng lượng.
Năm 2023, bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp; sự phục hồi của các doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19 đã có nhưng còn chậm; ngành công nghiệp chế biến – chế tạo, động lực tăng trưởng của tỉnh gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ; xuất nhập khẩu hàng hóa một số mặt hàng chủ lực như thức ăn gia súc, clinker, dăm gỗ bị ngắt quãng do thị trường chăn nuôi bị thu hẹp, chính sách nhập xi măng thành phẩm thay cho clinker tại một số thị trường thay đổi. Đặc biệt, kinh tế vĩ mô toàn cầu (lạm phát, giá cả tăng cao, thắt chặt tín dụng, an ninh năng lượng, an ninh lương thực) bất ổn… khiến hoạt động vận tải biển kém sôi động. Điều này buộc nhiều hãng tàu phải áp dụng thêm phụ phí biến động giá nhiên liệu (BAF) để bù đắp việc chi phí nhiên liệu, dẫn đến việc tăng cước vận tải, một số hãng dừng nhận vận chuyển hàng hóa.
Với những khó khăn như vậy khiến tổng lượng hàng hóa thông qua các cảng biển Quảng Ninh chỉ đạt gần 139 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm 2022. Sự tăng trưởng nhẹ tập trung chủ yếu ở các mặt hàng chiến lược, đảm bảo an ninh năng lượng là than và xăng dầu, nhằm cung cấp cho các hoạt động sản xuất công nghiệp nặng, nhiệt điện và thị trường nhiên liệu miền Bắc…
Theo đánh giá từ Cục Hàng hải Việt Nam, sự tăng trưởng ở con số dương của các cảng biển Quảng Ninh là tín hiệu tích cực trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế hết sức khó khăn. Điểm sáng tích cực tại các cảng biển Quảng Ninh trong năm 2023 đó là lượt tàu hoạt động trên địa bàn tăng cao, đạt hơn 150.000 lượt, tăng 86,2% so với năm 2022. Điều này có được là do hoạt động xuất nhập khẩu, giao thương hàng hóa giữa Việt Nam – Trung Quốc thông qua các cảng thuộc khu vực TP Móng Cái tăng mạnh. Trong đó, chủ yếu đội tàu có công suất nhỏ từ 200DWT trở xuống. Bên cạnh đó, hoạt động vận tải hành khách tàu biển đã quay trở với tần suất đều từ tháng 10/2023 đến nay. Đặc biệt, đã có nhiều tàu khách quốc tế hạng sang, nổi tiếng, như: Celebrity Solstice, Noordam, MSC Splendida, Westerdam… từ các nước châu Âu đưa theo hàng chục nghìn du khách quốc tế đến với Quảng Ninh.
Có thể thấy, bức tranh khó khăn của cảng biển trong năm 2023 là bài toán chung, ở hầu hết các cảng của Việt Nam. Tuy nhiên với vai trò đảm nhận trên 40% tổng lượng hàng hóa, hành khách khu vực phía Bắc, kết thúc năm 2023, các cảng biển Quảng Ninh vẫn duy trì tăng trưởng. Điều này, thể hiện rất rõ sự nỗ lực của tỉnh cũng như các đơn vị liên quan dành ưu tiên cho đẩy mạnh các hoạt động quảng bá thương hiệu, tối ưu hóa các hoạt động khai thác cảng, chuẩn hóa quy trình khai thác, ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ… nhằm tăng năng suất khai thác, cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, đem lại tiện ích, thuận lợi cho khách hàng.
Để đảm bảo tăng trưởng năm 2024 ở mức 10%, đóng góp chung vào mục tiêu tăng trưởng của tỉnh, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2024, các đơn vị chủ cảng, quản lý nhà nước đẩy mạnh cải cách, áp dụng hiệu quả công nghệ trong hoạt động khai thác; tập trung mở rộng hạ tầng cảng biển, khu dịch vụ hậu cần sau cảng, tìm tòi, nghiên cứu các giải pháp nâng cao tính cạnh tranh, thu hút đầu mối hàng mới. Tin tưởng với sự chủ động, năm 2024 Quảng Ninh định vị thương hiệu cảng biển để đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ trung chuyển của khu vực Đông Nam Á, động lực phát triển của vùng và cả nước.