Trong giai đoạn 2023-2027, Quảng Ninh có gần 400 người có uy tín trong đồng bào DTTS được UBND tỉnh công nhận. Họ là bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, trí thức, nghệ nhân dân gian, CBCC nghỉ hưu, người cao tuổi đi đầu trong sản xuất, kinh doanh giỏi… được nhân dân tín nhiệm. Bằng những việc làm cụ thể, đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS của tỉnh thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng an ninh đứng chân trên địa bàn và là “cầu nối” giữa Đảng với nhân dân.
Chị Triệu Thị Dung (33 tuổi), Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thành Công, xã Thanh Sơn (huyện Ba Chẽ) dù tuổi đời còn trẻ, nhưng luôn được bà con cùng thôn tin tưởng, tín nhiệm bởi sự nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc. Những năm qua, chị Dung luôn phát huy tốt vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia chương trình xây dựng NTM, nhất là vận động bà con hiến đất, làm đường phục vụ phát triển KT-XH.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Triệu Thị Dung chia sẻ: Tuyến đường trục chính thôn đi qua xóm Loong Toỏng và xóm Thác Lào dài gần 1km sẽ được huyện đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng vào đầu năm 2024. Tuyến đường ảnh hưởng trực tiếp tới 19 hộ trong thôn. Để việc thi công tuyến đường được nhanh chóng, tôi đã cùng các đồng chí trong chi bộ, các tổ chức, đoàn thể của thôn thường xuyên vận động, lắng nghe, giải đáp kịp thời mọi ý kiến, vướng mắc của người dân. Từ đó, mọi người hiểu được chủ trương, ý nghĩa thiết thực của việc xây dựng tuyến đường, đồng thuận ký cam kết hiến đất, dịch tường rào, chặt bỏ cây cối phục vụ thi công.
Không riêng Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Triệu Thị Dung, những năm qua người có uy tín tại các địa phương trong tỉnh luôn tích cực vận động nhân dân tham gia thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động do các cấp, ngành phát động, như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”…
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều người có uy tín đã huy động hiệu quả nguồn lực trong nhân dân để xây dựng trụ sở thôn, nhà văn hóa; sửa chữa, cải tạo trường học, các tuyến đường liên thôn, liên xã. Để có được những con đường bê tông sạch đẹp, nhà văn hóa khang trang, môi trường nông thôn đảm bảo… luôn có sự đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động, đi đầu thực hiện các phong trào thi đua lao động sản xuất, thực hiện các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của người có uy tín trong cộng đồng.
Cùng với đó, người có uy tín trên địa bàn tỉnh còn có vai trò quan trọng trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ mê tín, dị đoan, thực hiện nếp sống văn hóa, bảo vệ ANTT.
Ông Lý Tài Thông (75 tuổi), người có uy tín tại xã Tân Dân, TP Hạ Long, đã có 55 năm tuổi Đảng. Trải qua rất nhiều cương vị công tác, ở vị trí nào ông Thông cũng được bà con tín nhiệm. Ông Thông chia sẻ: Không chỉ trong vấn đề đảm bảo ANTT, an toàn xã hội, mà trong mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội, bà con đồng bào DTTS đều chấp hành rất tốt. Bản thân tôi khi nắm bắt được những thông tin mới trên mọi lĩnh vực, hay những kiến thức phát triển kinh tế hiệu quả đều chia sẻ để bà con cùng thực hiện… Dân có đoàn kết, đời sống của người dân có ấm no, thì từ đó mới có cơ sở để đảm bảo ANTT, địa phương mới ngày càng phát triển. Đến nay, thôn tôi không còn hộ nghèo, 100% hộ của thôn đã xây dựng được nhà ở khang trang, thu nhập bình quân năm 2023 của người dân đạt trên 60 triệu đồng/người.
Trong 5 năm qua, người có uy tín luôn phát huy vai trò nòng cốt duy trì tốt phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và tổ tự quản, với trên 1.000 lượt người tham gia. Qua các mô hình, phong trào này đã cung cấp nhiều tin quan trọng giúp lực lượng chức năng đấu tranh phòng chống tội phạm hiệu quả; huy động hàng nghìn lượt người dân tham gia tuần tra bảo vệ đường biên cột mốc bảo đảm sự bình yên của thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo…
Riêng năm 2023, người có uy tín trong tỉnh đã tham gia trên 200 ý kiến đóng góp, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền địa phương khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong quá trình thực hiện chính sách trong vùng DTTS, miền núi, nhất là chính sách bồi thường GPMB, thu hồi đất, chính sách giao đất, giao rừng, hỗ trợ cây trồng vật nuôi… phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, góp phần hạn chế bức xúc, tiêu cực, tiếp tục củng cố lòng tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền.
Với sự nhiệt huyết, trách nhiệm, người có uy tín đã thông tin, truyền tải nhanh chóng, kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cộng đồng DTTS, phù hợp với thực tế của từng địa phương. Qua đó, góp phần tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển vùng đồng bào DTTS nói riêng và toàn tỉnh nói chung.