Ngày 3/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Tại điểm cầu Quảng Ninh, đồng chí Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị.
Năm 2023, Bộ NN & PTNT thực hiện kế hoạch trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, trong đó, đặc biệt khó khăn về thị trường xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản. Tuy nhiên, kết thúc năm 2023, tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế.
Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Nổi bật đó là sản lượng lúa đạt 43,5 triệu tấn, tăng 1,9% và năng suất đạt 61 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha. Sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,79 triệu tấn, tăng 6,38%; sản lượng thủy sản 9,32 triệu tấn, tăng 2,3%. Trong năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 1.200 tỷ đồng.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản toàn ngành duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%. Phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản theo hướng chế biến sâu, giá trị cao. Đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 6.370/8.167 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Có 270 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn NTM.
Đối với tỉnh Quảng Ninh, trong năm qua, ngành nông nghiệp đã bám sát Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ, HĐND tỉnh và quyết định của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 tổ chức đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, gia tăng giá trị, đặc biệt đối với các lĩnh vực của ngành có dư địa phát triển. Tốc độ tăng trưởng cả năm 2023 của ngành nông nghiệp Quảng Ninh ước tăng 4,43%, tăng 0,22% kịch bản tăng trưởng, đóng góp 0,2 điểm% tăng trưởng GRDP.
Ngành đã chủ động phối hợp với các địa phương chỉ đạo điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bố trí cơ cấu giống phù hợp với diễn biến thời tiết và tín hiệu của thị trường, bảo đảm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển theo Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; khắc phục các tồn tại trong công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận nỗ lực của ngành nông nghiệp trong năm 2023 vừa qua đã vượt khó, xoay chuyển tình thế từ chỗ bị động bất ngờ sang chủ động, kịp thời, sáng tạo, tháo gỡ khó khăn vượt qua thách thức và gặt hái được nhiều kết quả nổi bật.
Bước vào năm 2024, Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT tăng cường hợp tác giữa các bộ, ngành để tìm hiểu, nắm bắt, mở rộng thị trường để sản xuất cái gì nhu cầu thị trường nhập khẩu cần để tổ chức sản xuất trong nước, tiến tới gia tăng giá trị xuất khẩu nông – lâm – thủy sản, phấn đấu tăng trưởng GDP toàn ngành đạt trên 4%; tập trung gỡ thẻ vàng của EC trong quý II năm 2024, ngăn chặn các tàu cá nước ngoài vi phạm; tăng cường công tác trồng, nâng cao chất lượng rừng, phấn đấu tăng tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc.
Thủ tướng yêu cầu Bộ NN& PTNT cùng các địa phương ven biển tập trung hoàn thiện thể chế và quy hoạch để phát huy tối đa lợi thế khác biệt; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền và đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số.