Các đường bay quốc tế được kỳ vọng trở thành điểm tựa tài chính quan trọng trong năm 2024, giúp hãng bay Việt Nam cân bằng thu – chi, chấm dứt giai đoạn thua lỗ do tác động tiêu cực của Covid-19.
Thị trường nội địa phục hồi
Một tuần trước khi khép lại năm 2023, ngành hàng không Việt Nam đón nhận một tin vui lớn: đường bay Hà Nội – TP.HCM được nhà cung cấp dữ liệu du lịch hàng không OAG xếp thứ 4 trong 10 đường bay bận rộn nhất thế giới trong năm.
Với hơn 10,8 triệu ghế bán ra trong giai đoạn từ tháng 10/2022 đến hết tháng 9/2023, “đường bay vàng” Hà Nội – TP.HCM chênh lệch không đáng kể so với 3 đường bay bận rộn nhất thế giới là Jeju – Seoul Gimpo (13,7 triệu ghế); Fukuoka – Tokyo Haneda (11,264 triệu ghế); Sapporo New Chitose – Tokyo Haneda (11,936 triệu ghế).
Năm 2019 (trước khi dịch đại Covid-19 bùng phát), đường bay Hà Nội – TP. HCM cũng đã được OAG xếp thứ 6 trong số các đường bay bận rộn nhất thế giới.
“Điều này cho thấy, thị trường hàng không nội địa năm 2023 đã phục hồi về mức đỉnh cao năm 2019, thậm chí còn tăng về sản lượng vận tải hành khách”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam nói.
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong năm 2023, tổng thị trường vận chuyển hành khách ước đạt 74 triệu lượt khách, tăng 34,5% so với năm 2022; giảm 7,4% so với năm 2019.
Trong đó, vận chuyển quốc tế đạt 32 triệu lượt khách, tăng 1,7 lần so năm 2022 và bằng 77% so với năm 2019; vận chuyển nội địa đạt 42 triệu lượt khách, tuy giảm 3% so với năm 2022, nhưng vẫn tăng 12% so với năm 2019.
Nhiều đường bay quốc tế được mở mới
Một điểm tích cực là đến đầu quý IV/2023, các hãng hàng không Việt Nam đã khôi phục toàn bộ đường bay đến các thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng khai thác một số thị trường mới ở Trung Á như Kazakhstan, Mông Cổ, Uzbekistan, Turkmenistan.
Bên cạnh đó, các hãng cũng đẩy mạnh khai thác đường bay đến 2 thị trường “mới nổi” là Ấn Độ và Australia. Năm 2023, sản lượng vận chuyển của các hãng bay Việt Nam tới Ấn Độ ước đạt 920.000 lượt hành khách, tăng gần 15 lần so với năm 2019; thị trường Australia đạt 913.000 lượt hành khách, tăng 40% so với năm 2019.
“Hai thị trường quốc tế này đã thay thế các điểm đến truyền thống tại khu vực Đông Bắc Á, trở thành ‘đầu tàu’ mang lại doanh thu và lợi nhuận cho các hãng hàng không Việt Nam”, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đánh giá.
Tại thị trường quốc tế, Vietjet là hãng hàng không tích cực nhất trong việc mở mới cũng như tăng tần suất khai thác. Riêng năm 2023, Vietjet đã mở mới tới 32 đường bay quốc tế, trong đó có 5 đường bay tới Australia với 58 chuyến bay mỗi tuần và 2 đường bay tới Ấn Độ, nâng tổng số đường bay mà hãng hàng không này khai thác lên con số 125 (gồm 45 đường bay quốc nội và 80 đường bay quốc tế). Hãng bay này vận chuyển được 25,3 triệu lượt hành khách trong năm 2023, tăng 23% so với năm 2022, tăng 2% so với năm 2019.
Ông Đinh Việt Phương, Tổng giám đốc Vietjet chia sẻ: “Các hoạt động của Vietjet cơ bản đang quay trở lại bằng với năm 2019, nhưng do ảnh hưởng kéo dài của Covid-19, đến nay, một số thị trường quốc tế chưa đạt, đặc biệt là Trung Quốc. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng sớm rà soát lại các hiệp định hàng không, tiến tới đàm phán, mở rộng đường bay quốc tế, bởi đường bay quốc tế tác động lớn đến hiệu quả kinh doanh của các hãng”.
Kết quả kinh doanh tích cực hơn dự báo
Thị trường hàng không năm 2023 tiệm cận gần hơn năm “đỉnh cao” 2019, giúp các hãng bay lớn thu được những kết quả kinh doanh tích cực hơn dự báo.
Mặc dù vẫn phải chờ kết quả kiểm toán chính thức, nhưng trong năm 2023, Vietnam Airlines có thể cán mốc doanh thu hợp nhất 91.810 tỷ đồng, bằng 127% năm 2022, trong đó Công ty mẹ đạt 71.360 tỷ đồng, bằng 142% năm 2023; lỗ hợp nhất giảm hơn 50% so với năm 2022.
Kết quả tích cực này giúp Vietnam Airlines mạnh dạn đặt mục tiêu cân đối được thu chi kinh doanh từ năm 2024, khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu trước năm 2025 và giảm dần, tiến tới xóa hết lỗ lũy kế trong các năm tiếp theo.
Trong khi đó, Vietjet có thể đạt lợi nhuận dương năm 2023, chính thức bước qua thời kỳ khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.
Trên thực tế, kết quả kinh doanh và đà phục hồi của các hãng bay lớn của Việt Nam còn có thể tốt hơn, nếu không gặp nhiều nhiễu động thị trường, đặc biệt là suy thoái kinh tế và suy giảm sức cầu tại các thị trường trọng điểm.
Cụ thể, việc các ngân hàng trung ương Nhật Bản, Hàn Quốc thả nổi tỷ giá khiến các đồng tiền nước này mất giá nghiêm trọng so với USD, dẫn tới sụt giảm nhu cầu đi lại ra nước ngoài của người dân các nước này; thị trường Nga vẫn chưa khôi phục được đường bay thẳng do lệnh cấm vận của Mỹ và châu Âu.
Bên cạnh đó, chi phí đầu vào tiếp tục tăng cao là khó khăn rất lớn đối với các hãng hàng không. Giá nhiên liệu bay trong suốt cả năm 2023 neo ở mức trên 106 USD, khiến các hãng bay Việt Nam bị đội hơn 6.000 tỷ đồng chi phí.
Tình trạng thiếu nhân lực, đứt gãy chuỗi cung ứng làm cho các chi phí khác như thuê máy bay, sửa chữa, bảo dưỡng, thuê động cơ, phụ tùng vật tư, chi phí dịch vụ tại các sân bay… tăng cao. Lãi suất USD duy trì ở mức cao làm tăng chi phí tài chính.
Do chi phí đầu vào tăng cao, nên các đường bay nội địa gần như không mang lại lợi nhuận cho các hãng bay, mặc dù đến đầu tháng 12/2023, Bộ Giao thông – Vận tải đã chính thức điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
“Mức tăng trung bình 3,75% so với trần giá cũ chưa đủ bù đắp chi phí vận hành cho các hãng bay, nhất là khi các đường bay nội địa chưa được phép tiến hành phụ thu nhiên liệu”, lãnh đạo một hãng hàng không cho biết.
Lường trước những biến số thị trường
Đà trỗi dậy của các hãng bay Việt là không thể đảo ngược, nhưng trong năm 2024, thị trường hàng không Việt Nam vẫn xuất hiện khá nhiều biến số khó lường, trong đó đáng lo ngại nhất chính là sự sụt giảm của thị trường nội địa.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, tổng thị trường vận tải hàng không năm 2024 đạt xấp xỉ 80,3 triệu lượt khách và 1,16 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 7,1% về hành khách và 4,8% về hàng hóa so với năm 2023. Trong đó, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển khoảng 58 triệu lượt khách, tương đương năm 2023.
Tuy nhiên, trong khi sản lượng vận chuyển quốc tế trong năm 2024 có thể đạt 19,5 triệu lượt khách, tăng 30% so với năm 2023, thì vận chuyển nội địa dự báo chỉ đạt 38,5 triệu khách, giảm 10,5% so với năm 2023. Đây là điều ít khi xảy ra trong ngành hàng không Việt Nam.
Dự báo trên được đưa ra trong bối cảnh thời gian qua, các hãng hàng không cắt giảm nhiều đường bay nội địa không hiệu quả. Một số hãng trong nước phải thu hẹp quy mô đội tàu bay sau 3 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Cùng với đó, các loại chi phí đầu vào tăng mạnh, nhất là giá nhiên liệu hàng không, khiến các hãng phải neo giá vé bay nội địa ở mức cao. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dự báo, giá nhiên liệu bay Jet A1 năm 2024 có thể vẫn ở mức trên 110 USD/thùng, khiến giá vé máy bay trong năm 2024 sẽ cao hơn đáng kể so với mặt bằng giá năm 2022 và nửa đầu năm 2023. Điều này sẽ cản trở nhu cầu đi lại, du lịch trong nước bằng đường hàng không của người dân, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đa phần đều có xu hướng thắt chặt chi tiêu.
Bởi vậy, các hãng bay dẫn dắt thị trường đang ưu tiên khai thác, mở mới đường bay quốc tế hơn so với nội địa, vì khi bay quốc tế, hãng được thu thêm phụ phí xăng dầu, giá vé cũng không bị khống chế bởi khung giá trần như bay nội địa.
Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, thị trường nội địa đã có dấu hiệu chững lại từ quý IV/2023 và có thể kéo dài sang năm 2024. Trước đó, đợt cao điểm hè năm 2023 đã kết thúc rất sớm, mới cuối tháng 7/2023, nhu cầu đi du lịch bằng đường hàng không của người dân đã giảm rất sâu.
Biến số khó lường tiếp theo liên quan đến lệnh triệu hồi động cơ PW1100G trên máy bay A321Neo áp dụng trên toàn cầu để thực hiện việc kiểm tra và sửa chữa khắc phục lỗi sản xuất của nhà chế tạo động cơ Pratt&Whitney.
Dự kiến, có khoảng 70 động cơ (35 máy bay A321Neo) đang được các hãng bay Việt Nam khai thác bị ảnh hưởng của lệnh triệu hồi trong năm 2024. Theo kế hoạch, ngay trong tháng 1/2024, có 14 tàu bay của các hãng bay Việt Nam phải tháo động cơ, dừng khai thác.
Số lượng lớn tàu bay phải dừng khai thác vì thiếu động cơ (nhiều nhất vào tháng 7/2024 với 25 tàu bay bị dừng), thời gian dừng bay có thể lên đến 18 tháng, sẽ tác động không nhỏ đến khả năng đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không năm 2024 của các hãng bay Việt Nam, đặc biệt là nhu cầu dịp cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Do việc thu hồi động cơ Pratt&Whitney tiến hành trên phạm vi toàn cầu, nên thị trường cho thuê tàu bay cũng sẽ gặp khó về nguồn cung.
Một biến số đáng lưu ý nữa là khả năng hoạt động liên tục trong năm 2024 của một số hãng bay nhỏ có thể không được đảm bảo, nếu các chủ sở hữu không có những giải pháp huy động, bổ sung, bù đắp nguồn lực tài chính phù hợp, đáp ứng các điều kiện về vốn kinh doanh theo quy định và bù đắp các chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện hoạt động khai thác hàng không.
Được biết, để hỗ trợ các hãng bay “trỗi dậy” mạnh mẽ hơn, Bộ Giao thông – Vận tải đang xem xét, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ nghiên cứu tính khả thi của việc triển khai thực hiện chính sách giảm 50% giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với chuyến bay nội địa từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 31/12/2024 và áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 31/12/2024.
“Các hãng vận tải hàng không là lõi trung tâm của ngành hàng không, nhưng đang dễ bị tổn thương và thiếu ổn định. Chính vì vậy, các giải pháp giảm giá dịch vụ hàng không sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí cho các hãng hàng không trong giai đoạn phục hồi”, một chuyên gia nhận định.