Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh trong năm 2023, đồng Việt Nam (VNĐ) chỉ mất giá khoảng 2%, đây là mức rất thấp.
“Nhiều ngân hàng nói lãi suất không thể thấp hơn được nữa”
Sáng 3/1, tại họp báo triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024, liên quan đến vấn đề lãi suất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sau liên tục 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5-2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí và áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng hơn 2,0%/năm so với cuối năm 2022.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, đến thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay đã ở mức rất thấp, kể cả ngắn, trung và dài hạn, cũng như lĩnh vực ưu tiên và không phải ưu tiên.
“Mặt bằng lãi suất giảm thấp nhất trong 20 năm qua. Nhiều ngân hàng nói lãi suất không thể thấp hơn được nữa. Còn một số khoản cho vay lãi suất cao khi ngân hàng thương mại huy động cao chắc chắn trong năm 2024 sẽ được xử lý”, ông Tú nói.
Về định hướng điều hành lãi suất trong năm 2024, Phó Thống đốc nhấn mạnh, tinh thần là các ngân hàng tiếp tục tiết kiệm chi phí, tiết kiệm những khoản chi quản lý, hành chính, qua đó lấy nguồn lực để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
“Lãi suất bình quân của nền kinh tế, lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước phải căn cứ vào nhiều phương diện để đảm bảo sự cân đối hài hoà kinh tế vĩ mô. Nhưng tinh thần là nếu lãi suất giảm được thấp hơn sẽ tiếp tục giảm trong điều kiện kinh tế vĩ mô cho phép”, ông Tú Khẳng định.
Nói thêm về vấn đề lãi suất, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang cho biết lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng thương mại cho các giao dịch mới phát sinh ở mức khoảng 3,9%. Trong khi bình quân cho vay với các giao dịch mới phát sinh khoảng 6,7%, giảm trên 2,5% so với cuối năm 2022.
“Mặt bằng lãi suất huy động, cho vay của nền kinh tế với các giao dịch mới thấp hơn khá xa với trước COVID-19”, ông Quang cho biết.
Giải thích về độ trễ của giảm lãi suất cho vay với lãi suất huy động, theo ông Quang, dưới góc độ quản lý nhà nước, trong bảng cân đối tài sản của hệ thống ngân hàng thương mại, 80% nguồn vốn là huy động ngắn hạn. Điều này giúp lãi suất huy động của các ngân hàng giảm rất nhanh.
Trong khi đó trên 50% dư nợ tính dụng của các ngân hàng là cho vay trung và dài hạn. Điều này khiến lãi suất cho vay trung và dài hạn có độ trễ nhất định so với lãi suất huy động.
“Các hợp thương mại nhất là trung và dài hạn, ngân hàng thường dựa vào lãi suất 12, 24 tháng cộng với biên độ. Điều này dẫn đến kỳ điều chỉnh lãi suất trung và dài hạn chậm hơn. Từ đó khiến việc giảm lãi suất cho vay chậm hơn giảm lãi suất huy động”, ông Quang giải thích.
Tăng trưởng tín dụng 13,5% năm 2023
Về tăng trưởng tín dụng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh năm 2023 là một năm rất khó khăn của điều hành chính sách tiền tệ. Đến hết năm 2023, tăng trưởng tín dụng đạt mức 13,5%. Mức tăng trưởng này không đạt mục tiêu tăng trưởng 14-15%.
“Mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 thấp hơn không nhiều so với mục tiêu đề ra. Những khó khăn của nền kinh tế là một trong những nguyên nhân. Tuy nhiên, Phó Thống đốc đánh giá mức tăng trưởng 13,5% là một con số tích cực.
Trong năm 2024, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng ở mức 15%. NHNN yêu cầu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, phù hợp với năng lực quản trị rủi ro, tình hình thanh khoản và khả năng huy động vốn.
Bên cạnh đó là nghiêm cấm việc cấp tín dụng không đúng quy định pháp luật, không đúng đối tượng, việc cấp tín dụng cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan của tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, doanh nghiệp sân sau… với lãi suất ưu đãi trong khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu chính đáng, hợp pháp lại gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng.
Còn về tỷ giá, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết trong năm 2023, NHNN đã giữ ổn định được thị trường ngoại tệ và hạn chế được các biến động lớn trong ngắn hạn của tỷ giá, ổn định giá trị đồng tiền.
“Giá trị đồng Việt Nam được giữ vững, nhiều nước có tiềm lực lớn thậm chí trong G7, có lạm phát ở mức cao, giá trị đồng tiền mất giá lớn. Thậm chí có nhiều nước đồng tiền mất giá từ 12-17%. Tại Việt Nam, đồng Việt Nam chỉ mất giá khoảng 2%, đây là mức rất thấp”, ông Tú khẳng định.