Nhà văn, thiếu tướng Hồ Phương – tác giả truyện ngắn ‘Cỏ non’ quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt khi được đưa vào sách giáo khoa, đã qua đời tối 2-1 tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 94 tuổi.
Tin được nhà văn Nguyễn Bình Phương – phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội – xác nhận.
Ông Phương sẽ viết điếu văn cho bậc tiền bối – một nhà văn quân đội.
Hồ Phương – nhà văn lấy bút danh theo họ Bác Hồ
Nhà văn Hồ Phương sinh năm 1930 tại thị xã Hà Đông (nay là quận Hà Đông, Hà Nội), với tên khai sinh là Nguyễn Thế Xương.
Sinh thời ông cho biết ông có duyên nợ đặc biệt với Bác Hồ, cho nên năm 2007, ở tuổi ngoài 70, ông đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết về tình cha con của Bác Hồ mang tên Cha và con (Nhà xuất bản Kim Đồng).
Ông kể, năm 15 tuổi, cách mạng thành công, ông đã nghe cha mình – một bậc túc nho, và các anh trai ngồi nói chuyện về Bác Hồ.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông vào tự vệ thành, rồi trở thành Vệ Út của trung đoàn Thủ đô cũng là vì hâm mộ Bác Hồ. Lên chiến khu, được gặp Bác trực tiếp, hình ảnh thần tượng trong ông càng sống động.
Năm 1948, ông viết truyện ngắn đầu tay Nước mắt xung kích.
Ông đã suy nghĩ để chọn một bút danh cho mình và ông đã chọn Hồ Phương theo họ của Bác Hồ, ghép với tên cô người yêu đầu tiên tên Phương.
Trong cuộc đời văn nghiệp của một nhà văn quân đội, Hồ Phương đã cho ra mắt nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Thư nhà, Lá cờ chuẩn đỏ thắm, Cỏ non, Kan Lịch, Những tầm cao, Biển gọi, Chúng tôi ở Cồn Cỏ …
Ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Cuốn tiểu thuyết về cha con Bác Hồ ở tuổi ngoài 70
Ngoài ra, ở tuổi ngoài 70, nhà văn – thiếu tướng Hồ Phương gây bất ngờ khi ông cho ra mắt cuốn tiểu thuyết mới nhất Cha và con, ông viết về con người mà mình thần tượng suốt đời: Bác Hồ.
Với hơn 200 trang sách, Cha và con khắc họa chân dung Bác Hồ từ khi là cậu bé 10 tuổi đến khi quyết định ra đi tìm đường cứu nước.
Không gian mở rộng từ làng Sen, làng Chùa (Nam Đàn, Nghệ An), kinh đô Huế, Bình Khê, Phan Thiết – nơi cụ thân sinh của Bác dạy học đến Sài Gòn – nơi chàng trai Nguyễn Tất Thành nhận thức được rằng “muốn đánh Pháp phải hiểu được Pháp” và lên đường xuất dương.
Khác với Búp sen xanh của Sơn Tùng, trong tiểu thuyết này Hồ Phương viết về Bác Hồ bắt đầu ở lứa tuổi thiếu niên chứ không từ một cậu bé mới lọt lòng mẹ.
Điều đặc biệt, ông mạnh dạn cho cậu Côn nghịch ngợm, lém lỉnh, trêu chọc các cô gái phường vải, biết nịnh bà để đùn việc nhà cho chị gái… – một cậu con trai bình thường.
Ông không miêu tả cậu bé Côn như một thần đồng mà để cho phát triển tính cách dần dần qua thời gian, qua sách vở, qua các cuộc tiếp xúc với các bậc tiền bối như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý…
Ông cŨng dành nhiều đất để thể hiện người cha của Bác Hồ và tình cha con của hai người mà theo ông phải rất đặc biệt và có ảnh hưởng rất lớn đến con đường của Bác Hồ – con đường của một anh hùng dân tộc.
Viết về một thời kỳ lịch sử còn đậm đặc chất phong kiến, nhưng nhà văn Hồ Phương chọn cách thể hiện nhanh, khá hiện đại, mang màu sắc điện ảnh.