Trước khi sáp nhập vào TP Hạ Long, huyện Hoành Bồ có xuất phát điểm thấp, tỷ lệ người DTTS chiếm khoảng 36,7%, trình độ dân trí không đồng đều. Do đó, ngay sau khi thực hiện sáp nhập, TP Hạ Long đã đặc biệt quan tâm, dành nguồn lực thúc đẩy kinh tế – xã hội cho các xã vùng cao, nhằm nâng cao đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách vùng miền, đạt chuẩn nông thôn mới.
Giao thông đi trước
Sau khi sáp nhập, địa giới hành chính của TP hạ Long được mở rộng, diện tích lên tới gần 1.120m2 (tăng gấp 4 lần so với trước). Cùng với thuận lợi, thành phố cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khi các xã vùng cao ở khu vực Hoành Bồ cũ cơ sở hạ tầng vẫn còn thiếu và yếu. Cuộc sống của nhiều người dân bị ảnh hưởng do thường xuyên bị chia cắt bởi đèo dốc, sông, suối.
Vì vậy, bên cạnh việc ổn định tổ chức bộ máy, phòng chống dịch Covid-19, trong điều kiện nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng bởi đại dịch, thành phố đã bố trí từ nguồn ngân sách khoảng 2.100 tỷ đồng để cứng hoá đường giao thông, kiên cố kênh mương nội đồng, xây dựng nhà văn hoá, trường học, trụ sở xã, trạm y tế xã… nhằm hoàn thiện và nâng cao các chỉ tiêu, tiêu chí theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2011-2025 và xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Nhờ đó, chỉ sau một thời gian ngắn, hệ thống đường giao thông liên thôn, liên xóm, liên các xã đã được củng cố, bê tông hóa.
Bên cạnh đó, TP Hạ Long đã triển khai đầu tư 2 công trình động lực kết nối từ trung tâm thành phố tới các xã với kinh phí trên 1.100 tỷ đồng (nâng cấp, cải tạo, mở rộng đoạn từ nút giao cầu vượt đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn thuộc thôn Trại Me, xã Sơn Dương đến thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm và nâng cấp, cải tạo, mở rộng tuyến đường liên xã, đoạn đường từ Mỏ Đông, xã Sơn Dương đến trung tâm xã Đồng Sơn). Đến nay, 100% đường trục xã, thôn, xóm, nội đồng trên địa bàn thành phố đều được cứng hóa.
Anh Đặng Tằng Thọ (thôn Phủ Liễn, xã Đồng Sơn, TP Hạ Long) cho biết: Trước đây việc đi lại của nhân dân trên địa bàn rất vất vả. Nay tuyến đường nối từ xã Sơn Dương đến trung tâm xã Đồng Sơn sắp hoàn thành và đưa vào sử dụng. Có đường đẹp, nhân dân phấn khởi lắm. Cảm ơn Đảng, Nhà nước, tỉnh và thành phố đã đầu tư mở rộng đường để đi lại thuận tiện hơn, giao thương dễ dàng, các sản phẩm nuôi trồng của nhân dân tiêu thụ thuận lợi. Nhờ đó, người dân sẽ làm giàu được trên chính mảnh đất quê hương này.
Để tiếp tục tạo động lực cho các vùng cao phát triển, TP Hạ Long vừa khởi công xây dựng 2 tuyến đường với tổng mức đầu tư gần 900 tỷ đồng, trong đó có đường nối từ tỉnh lộ 342 đến QL279 qua trung tâm xã Sơn Dương. Tuyến đường có quy mô gần 11km, theo quy hoạch được phê duyệt là 6 làn xe. Điểm đầu tuyến đấu nối với dự án Đường nối QL279 đến tỉnh lộ 342 tại thôn Trại Me, xã Sơn Dương; điểm cuối tuyến đấu nối QL279 tại ngã 3 Đồng Đặng, xã Sơn Dương. Tuy nhiên, thành phố sẽ đầu tư trước 4 làn xe với tổng mức đầu tư 818 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố và ngân sách tỉnh hỗ trợ có mục tiêu. Dự kiến hết năm 2024 dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Việc khởi công dự án giao thông trọng điểm nói trên có ý nghĩa quan trọng nhằm hoàn thiện hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối giữa khu vực trung tâm thành phố với các xã vùng cao. Đồng thời, đánh thức tiềm năng về thiên nhiên, con người, văn hóa trong phát triển bền vững KT-XH, nhất là trong bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, phát triển du lịch cộng đồng, lâm nghiệp bền vững, phát triển sản phẩm OCOP, thúc đẩy thu hẹp chênh lệch khoảng cách vùng miền.
Nâng cao đời sống nhân dân
Với phương châm lấy dân làm gốc, TP Hạ Long luôn xác định việc nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế là giải pháp căn bản để nâng cao đời sống nhân dân các xã vùng cao. Do đó, thành phố đã triển khai mô hình nuôi gà, dúi, lợn; phát triển du lịch nông thôn; hướng dẫn người dân có sản phẩm tiềm năng tham gia vào chu trình OCOP; tích cực hỗ trợ người dân quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ, xúc tiến thương mại; tạo điều kiện tối đa để người dân tiếp cận vốn tín dụng chính sách; vận động nhân dân trồng rừng gỗ lớn.
Giai đoạn 2020-2022, thành phố đã tiếp nhận 14 phiếu đăng ký sản phẩm mới đủ điều kiện tham gia vào chu trình OCOP, nâng tổng số lên thành 65 sản phẩm tham gia chu trình OCOP, trong đó có 28 sản phẩm đạt 3-5 sao. Đến nay, toàn thành phố đã có 65 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử. Các sản phẩm OCOP của thành phố đa dạng, phong phú về chủng loại, mang đặc trưng của vùng miền, ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết, tin dùng.
Cùng với đó, nhiều mô hình du lịch nông thôn đã được hình thành không chỉ khai thác thế mạnh địa phương, tạo việc làm cho người dân, mà còn thúc đẩy phát triển bền vững. Có thể kể đến như: Am Váp Farm, Man’S Farm, Hoa Quả Viên… Hiện thu nhập bình quân đầu người của TP Hạ Long đạt trên 64 triệu đồng/năm, cao hơn 9,7 triệu đồng so với mức bình quân chung của tỉnh; xã có thu nhập thấp nhất là Bằng Cả đạt 55,5 triệu đồng/người. Thành phố không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Năm 2022, TP Hạ Long được Ủy ban MTTQ Việt Nam công nhận đã hoàn thành việc xây dựng nhà đại đoàn kết, xóa nhà dột nát cho hộ nghèo. Do đó thành phố không nằm trong nhóm địa phương cần xóa nhà tạm, nhà dột nát theo chương trình của tỉnh. Tuy nhiên với tinh thần mọi người dân đều được hưởng thành quả tăng trưởng, bao trùm, TP Hạ Long đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để triển khai xây mới, sửa chữa nhà ở cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 3,1 tỷ đồng (60 triệu đồng/nhà xây mới, 30 triệu đồng/nhà sửa chữa và tặng mỗi hộ 1 triệu đồng khi về nhà mới). Nhờ đó, đến nay toàn thành phố không còn nhà tạm, nhà dột nát, tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố đạt 100%.
Bằng ý chí tự lực tự cường, tinh thần đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân thành phố trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn các xã vùng cao, cuối tháng 8/2023, TP Hạ Long đã đón nhận bằng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Song quan trọng hơn cả, đó là bức tranh kinh tế – xã hội ở các xã vùng cao của TP Hạ Long đã có chuyển biến toàn diện, tích cực, đáng tự hào, mang lại sự phấn khởi cho người dân.