Năm 2023, Việt Nam có 35 mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD, giảm 1 mặt hàng so với năm ngoái. Dù kim ngạch xuất khẩu cả năm chưa đạt mục tiêu đặt ra, nhưng đây là nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh phải đối diện với hàng loạt “cơn gió ngược’.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, năm 2023, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm 2022. So với thời điểm đầu năm 2023 khi kim ngạch xuất khẩu giảm sâu ở mức hai con số, con số này thể hiện sự hồi phục ngoạn mục, đáng ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp.
Đóng góp cho sự hồi phục trên phải kể đến 35 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (giảm mặt hàng phân bón), chiếm 93,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Thống kê cho thấy, riêng ngành nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu 53,01 tỷ USD (xấp xỉ mức kỷ lục năm 2022), chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nhiều mặt hàng đạt tỷ USD có sự tăng trưởng ấn tượng như: Rau quả, hạt điều, cà phê, gạo, thức ăn gia súc và nguyên liệu, sắn và các sản phẩm từ sắn… Riêng xuất khẩu gỗ và lâm sản và thủy sản dù tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn khi lần lượt đạt 13,4 tỷ USD và 9,2 tỷ USD nhưng năm nay đều sự suy giảm đáng kể.
Một số mặt hàng tỷ USD như sắt thép các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy ảnh, máy quay phim, giấy và các sản phẩm từ giấy, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc… cũng đạt tăng trưởng dương.
Các mặt hàng dầu thô, xăng dầu các loại, hóa chất, sản phẩm hóa chất, chất dẻo nguyên liệu, sản phẩm từ chất dẻo, cao su, sản phẩm từ cao su, túi xách, xơ sợi, hàng dệt may, sản phẩm từ sắt thép, dây điện và dây cáp điện, đồ chơi, dụng cụ thể thao… đều trong danh sách các mặt hàng tỷ USD, song kim ngạch giảm so với năm ngoái.
Bước sang 2024, Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu tăng 6% so với năm 2023. Theo nhận định của bộ này, hoạt động xuất nhập khẩu năm nay vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất trong nước.
Đặc biệt, các thị trường phát triển như châu Âu chú trọng đến phát triển bền vững, đang đưa ra nhiều quy định mới như cơ chế điều chỉnh carbon, quy định chống phá rừng châu Âu… có tác động đến một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta.
Để đạt được mục tiêu phục hồi xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết, cần sự triển khai đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương và sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Các đơn vị cần hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định.
Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường các hoạt động cung cấp thông tin thị trường trên nền tảng số cho các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hỗ trợ xây dựng và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tập trung, quy mô lớn, mang tính liên kết vùng cho sản phẩm, ngành hàng có thế mạnh của vùng tại các thị trường mục tiêu…