Soóng cọ là một loại hình dân ca đã được thực hành và gìn giữ suốt nhiều thế hệ, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Sán Chỉ. Đặc biệt, ngày 10/11 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3421/QÐ-BVHTTDL công nhận Nghệ thuật trình diễn dân gian hát soóng cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ đây, góp phần quan trọng đẩy mạnh công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị của loại hình hát soóng cọ trong phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của địa phương.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay có 43 thành phần dân tộc cư trú, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm hơn 12% dân số của tỉnh. Tộc người Sán Chỉ (cùng với nhánh người Cao Lan thuộc dân tộc Sán Chay) là một trong bảy tộc người thiểu số của tỉnh sinh sống thành cộng đồng làng, bản, cư trú phần lớn ở các huyện Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà. Cùng với việc bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình thông qua ngôn ngữ, trang phục, tập quán sinh hoạt, lao động thì hát soóng cọ được người Sán Chỉ gìn giữ, duy trì sử dụng trong sinh hoạt đời sống đến tận ngày nay.
“Soóng cọ” theo tiếng Sán Chỉ có nghĩa là “xướng ca”, “hát đối”, “hát giao duyên”. Theo lời người xưa kể, người Sán Chỉ hát soóng cọ quanh năm, mọi nơi, mọi lúc, mỗi khi có dịp. Hội hát soóng cọ hay còn gọi là Hội tháng ba của người Sán Chỉ ra đời cách đây 300 năm. Những năm thuộc thập kỷ 90 thế kỷ XX trở về trước, soóng cọ rất được ưa chuộng, và không biết tự bao giờ, ngày 16 tháng 3 âm lịch hằng năm đã trở thành ngày hội riêng của người Sán Chỉ.
Hát soóng cọ là cách hát đối gồm một bên nam, một bên nữ đối diện và có thể cùng một lúc có nhiều tốp hát đối với nhau. Do tính chất ứng đối tập thể đó nên tính thống nhất cao hơn, tính cộng đồng thể hiện rõ nét. Tục hát soóng cọ có một quy định chặt chẽ là không hát với người cùng huyết thống, dòng tộc, họ hàng. Nội dung bài hát phong phú, đa dạng, uyển chuyển, phản ánh cuộc sống lao động sản xuất, ca ngợi thiên nhiên, đất nước, con người, tình yêu đôi lứa.
Ở xã Húc Động (huyện Bình Liêu), người Sán Chỉ chiếm khoảng 82%, đây cũng là xã có người Sán Chỉ cư trú đông nhất huyện. Do đó, Hội hát soóng cọ của đồng bào Sán Chỉ nơi đây đã có từ lâu đời. Dù không có bất cứ nhạc cụ nào đi kèm khi thể hiện, song điệu soóng cọ vẫn lôi cuốn người nghe bằng lời ca nhịp nhàng, âm điệu ngân dài thi vị một cách mộc mạc, chân thành, thể hiện tâm tư, tình cảm và gắn liền với sinh hoạt lao động sản xuất của người Sán Chỉ.
Chị Lục Thị Cọm (SN 1982, thôn Nà Ếch) nổi tiếng là người có giọng hát soóng cọ hay ở xã Húc Động. Với tình yêu dành cho làn điệu dân ca quê hương, chị Cọm vẫn đang từng ngày tập hát, sưu tầm những bài hát cổ, sáng tác bài hát mới để truyền dạy cho thế hệ trẻ. Chị Cọm chia sẻ: Hát soóng cọ không cần dùng nhạc cụ để đệm theo, song không vì thế mà nó kém đi sức hấp dẫn. Bởi tinh túy của hát soóng cọ chính là chất giọng ngân dài, mềm mại. Tục hát soóng cọ diễn ra quanh năm, với nhiều cách thể hiện như hát chúc tết, hát mừng đám cưới, mừng nhà mới, tâm tình, giao duyên. Những dịp hát soóng cọ là những ngày vui vẻ, mọi người cùng nhau đi đến từng bản, lên đỉnh núi cao, ra ngoài bờ suối để tiếng hát vang xa hơn, xua tan đi mọi mệt nhọc, ưu phiền của cuộc sống. Bởi vậy, hát soóng cọ đã trở thành món ăn tinh thần quý giá, là niềm vui, niềm tự hào, là “sợi dây” để gắn kết cộng đồng của người Sán Chỉ ở huyện Bình Liêu.
Đặc biệt từ năm 2005 đến nay, huyện Bình Liêu đã phục dựng và duy trì tổ chức thường niên Hội Soóng cọ một cách bài bản, quy mô. Đâu chỉ có những giai điệu ngọt ngào của lời hát soóng cọ như níu giữ bước chân người ở lại, mà những trò chơi dân gian, món ăn truyền thống cũng là dấu ấn độc đáo, đặc sắc để mỗi du khách nhớ mãi về Hội hát tháng ba thắm đượm hồn cốt văn hóa dân tộc.
Cũng giống như xã Húc Động, xã Đại Dực (huyện Tiên Yên) có gần 90% dân số là người Sán Chỉ. Xã Đại Dực và xã Húc Động đều có nhiều cảnh đẹp, văn hóa tương đồng, vì vậy, bà con hai xã thường giao lưu văn hóa với nhau, đặc biệt vào dịp Hội Soóng cọ (ở Húc Động) và Hội Mùa vàng miền soóng cọ Đại Dực (ở Đại Dực). Điểm nhấn không thể thiếu trong mỗi ngày hội chính là chương trình giao lưu các CLB dân ca soóng cọ của hai xã.
Hiện nay, các hoạt động gìn giữ, bảo tồn hát soóng cọ được các địa phương quan tâm đẩy mạnh không chỉ qua các dịp lễ hội mà còn thành lập, duy trì sinh hoạt CLB văn nghệ tại thôn, xã, đưa vào chương trình giảng dạy tại các nhà trường. Qua đó, góp phần gìn giữ một di sản văn hóa tinh thần quý báu, thể hiện truyền thống tốt đẹp và bản sắc riêng của tộc người Sán Chỉ ở Quảng Ninh, đồng thời tạo nên sản phẩm văn hóa độc đáo, phục vụ khách đến tham quan du lịch.