Phục hồi mạnh mẽ, du lịch Quảng Ninh năm nay có những con số đáng khích lệ. Theo báo cáo của Sở Du lịch, tổng số khách du lịch đạt 15,6 triệu lượt, trong đó khách quốc tế ước đạt 2,15 triệu lượt, tổng thu du lịch ước đạt 33.610 tỷ đồng, đều tăng so với kế hoạch giao. Kết quả này là cơ sở hứa hẹn sự khởi sắc của bức tranh du lịch trong năm mới 2024.
Khai thác mạnh thị trường nội địa
Năm 2023, du lịch Quảng Ninh xác định quan điểm, định hướng “Coi du lịch nội địa là nội lực, nền tảng căn bản để phát triển bền vững, đồng thời tận dụng mọi cơ hội để phục hồi thị trường khách quốc tế”, từ đó đã đề ra nhiều giải pháp mạnh nhằm thu hút du khách, tập trung đẩy mạnh các hoạt động kích cầu hoạt động du lịch nội tỉnh, nội địa. Đồng thời, chủ động tận dụng mọi cơ hội để phục hồi thị trường quốc tế, thích ứng an toàn, phát triển nhanh…
Theo đó, lượng khách du lịch dịp Tết Nguyên đán, dịp hè và các kỳ nghỉ lễ trong năm có sự tăng tưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2022… Vào những tháng đầu năm nay, các di tích, danh thắng trên địa bàn rộn ràng đón một mùa hội xuân thắng lợi. Không chỉ là lượng khách ở khu vực phía Bắc, dòng khách mùa xuân còn mở rộng sang khu vực miền Trung và miền Nam, cho thấy tiềm năng lớn khai thác dòng khách này vào năm mới 2024, với những trải nghiệm văn hoá, thiên nhiên, khí hậu đặc trưng của một tỉnh biên giới phía Bắc như Quảng Ninh.
Mùa du lịch hè của Quảng Ninh với lợi thế những điểm đến biển, đảo tuyệt vời cho du khách giải nhiệt mùa nắng luôn thu hút lượng khách cao điểm vào khoảng từ cuối tháng 4 cho đến hết tháng 8 hằng năm. Du lịch theo các hội nhóm gia đình, bạn bè, theo tour khiến lượng khách đến Quảng Ninh gia tăng mạnh mẽ, không chỉ vào dịp cuối tuần mà cả các ngày trong tuần. Các tháng cao điểm như tháng 6, tháng 7, Quảng Ninh đón gần 2 triệu lượt khách du lịch.
Các trọng điểm không chỉ tập trung vào Hạ Long mà khu vực biển đảo, biên giới như Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái ngày càng chứng tỏ là điểm đến yêu thích của du khách. Trong đó, Móng Cái là một điểm nhấn đáng kể từ sau khi cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đi vào hoạt động đầu tháng 9/2022, nối thông toàn bộ tuyến cao tốc Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái.
Chính vì vậy, cùng với việc thúc đẩy khôi phục thị trường khách du lịch Trung Quốc thông qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái, thì mục tiêu của du lịch Quảng Ninh năm nay còn là tiếp tục thúc đẩy hoạt động du lịch các địa phương dọc tuyến cao tốc này, đặc biệt là các địa phương khu vực miền Đông của tỉnh; thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng bền vững, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Vân Đồn, Cô Tô.
Đồng thời, thúc đẩy liên kết vùng và nội vùng trong phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ. Chú trọng liên kết giữa du lịch với các ngành, lĩnh vực khác, giữa Quảng Ninh với các địa phương trong và ngoài nước trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp đặc sắc…
Địa phương, doanh nghiệp vào cuộc tích cực
Sự hồi phục, gia tăng về lượng khách du lịch đến Quảng Ninh thời gian qua là điều rất đáng mừng. Đóng góp vào đó phải kể đến sự vào cuộc của các địa phương trong tổ chức nhiều chương trình, sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch để thu hút khách; sự chủ động của ngành du lịch, doanh nghiệp trong đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, kích cầu hoạt động du lịch thông qua hàng loạt các sự kiện, hội chợ, lễ hội, hội nghị về du lịch đã được tổ chức thời gian qua trên địa bàn cũng như ở nhiều tỉnh, thành cả trong nước và nước ngoài.
Tuy nhiên, một thách thức với du lịch Quảng Ninh là sự trở lại chưa thật khởi sắc của dòng khách nước ngoài, kể cả những thị trường khách truyền thống như Hàn Quốc, Trung Quốc… Điểm đáng mừng là vào những tháng cuối năm vừa qua, thị trường khách tàu biển sôi động trở lại với hàng chục chuyến tàu biển lên lịch trình ghé thăm Quảng Ninh, thậm chí có cả những con tàu đến từ Trung Quốc lần đầu tiên đưa khách du lịch ở thị trường này tới Quảng Ninh. Nhiều tàu sẽ định kỳ đưa khách quay trở lại Hạ Long.
Mùa du lịch tàu biển thường bắt đầu vào tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Mặc dù số lượng khách tàu biển không lớn nhưng thuộc thị trường khách cao cấp, mang lợi tín hiệu khởi sắc tích cực của dòng khách tàu biển quốc tế vào mùa thấp điểm của du lịch Quảng Ninh hằng năm.
Du lịch từng bước phục hồi mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp, địa phương chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch mới gắn với tài nguyên du lịch đặc sắc, riêng có của địa phương, nhằm gia tăng sức hút và đa dạng hoá sản phẩm du lịch trên địa bàn.
Năm 2023, hàng chục sản phẩm du lịch mới đã đi vào phục vụ du khách, một số sản phẩm có sức hấp dẫn mạnh như: Tour lặn biển khám phá hệ sinh thái biển tại xã Thanh Lân (Cô Tô), nghe nhạc trên Vịnh Hạ Long, du lịch giải trí và nghỉ dưỡng tại đảo Cái Chiên (huyện Hải Hà), đảo Đá Dựng (huyện Đầm Hà), trải nghiệm khám phá Đảo Tím, cầu kính và Bảo tàng thiên nhiên tại Quảng Ninh Gate (TX Đông Triều)…
Tuy nhiên, trong số đó cũng có không ít sản phẩm đã “chết yểu”, không ai biết tới; nhiều sản phẩm được mong đợi của doanh nghiệp kinh doanh du lịch và du khách vẫn lỗi hẹn hoặc chưa thể đưa vào khai thác bài bản do còn gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy hoạch, như: Việc phát triển một số sản phẩm du lịch mới trên Vịnh Hạ Long (Hạ Long), Bái Tử Long (Vân Đồn), khai thác trở lại hoạt động leo núi Bài Thơ (Hạ Long), các cảnh điểm đồi Phượng Hoàng, Bình Hương (TP Uông Bí)… Chính vì vậy, bài toán sản phẩm du lịch mới của Quảng Ninh năm 2024 tới đây vẫn cần tiếp tục tìm ra đáp án, nhằm đa dạng hoá sản phẩm mới và có những sản phẩm du lịch mới thực sự chất lượng, hút khách.
Hướng tới mục tiêu cao hơn
Đánh giá về những khó khăn còn tồn tại trong năm tới, ngành du lịch còn đề cập tới nhiều vấn đề khác. Đó là hoạt động của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, sức cạnh tranh trên thị trường còn thấp. Các sản phẩm du lịch của Quảng Ninh mới chủ yếu tập trung khai thác lợi thế tài nguyên sẵn có; thiếu các sản phẩm văn hoá, giải trí, mua sắm, chưa tạo được nhiều sản phẩm khác biệt, độc đáo. Nhiều khu, điểm du lịch còn thiếu hệ thống dịch vụ bổ sung đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Sản phẩm du lịch đêm còn nghèo nàn.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh có hệ thống đảo với giá trị tài nguyên du lịch hấp dẫn nhưng chưa thu hút được các nhà đầu tư xứng tầm để hình thành các khu nghỉ dưỡng chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế. Chất lượng dịch vụ lưu trú ở một số địa phương trong tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là sau tác động của dịch Covid-19. Việc phát huy hiệu quả của Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, hệ thống cảng biển cho phát triển du lịch còn chưa như kỳ vọng; liên kết các tour tuyến, điểm du lịch còn hạn chế, chưa đồng bộ. Cơ sở hạ tầng du lịch phát triển thiếu cân đối, chủ yếu tập trung ở các trung tâm đô thị lớn. Nguồn nhân lực cho du lịch còn bị ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch Covid-19, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao…
Năm 2024, du lịch Quảng Ninh đặt ra chỉ tiêu cao với mục tiêu thu hút 17 triệu lượt khách, trong đó có 3 triệu khách quốc tế, với tổng doanh thu đạt 39.100 tỷ đồng. Vì vậy, cùng với khắc phục những tồn tại, ngành du lịch cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm, như: Đổi mới và tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, tập trung vào các thị trường Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan); các thị trường mới là Ấn Độ và Trung Đông. Tham gia các hội chợ du lịch, tổ chức thực hiện các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch Quảng Ninh tại các địa phương trong nước có khả năng kết nối với sân bay Vân Đồn, như Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Điện Biên, Bình Định…
Cùng với đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch. Triển khai các đề án về phát triển du lịch, trong đó có đề án về phát triển kinh tế đêm, thí điểm tại Hạ Long, Cẩm Phả, Đông Triều, Cô Tô, Móng Cái. Khuyến khích phát triển mạnh mẽ các sản phẩm du lịch cộng đồng tại các địa phương trong tỉnh và phát triển tối đa sản phẩm du lịch văn hoá – lịch sử – tâm linh là tiềm năng, lợi thế của Quảng Ninh…