Năm 2024, TP Hạ Long đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 15,7%, ưu tiên phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Để hiện thực hóa mục tiêu này, thành phố đang nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng; cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh, tính bền vững của nền kinh tế.
Thành phố xác định, phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, dịch vụ ngày càng giữ vai trò chủ đạo, phấn đấu năm 2024, tổng khách du lịch đạt trên 10 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 1,2 triệu lượt; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 22.000 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin, thành phố đang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đơn vị xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế đêm trên địa bàn; đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm cộng đồng, bản sắc văn hoá các xã vùng cao… Đồng thời, khai thác hiệu quả các công trình giao thông trọng điểm, động lực kết nối lên địa bàn các xã vùng cao để phát triển du lịch, dịch vụ; tăng cường giới thiệu, quảng bá, xúc tiến du lịch thành phố. Thành phố cũng khai thác tối đa lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, văn hoá, con người và các tuyến giao thông động lực mới để đưa vào sử dụng, thu hút đầu tư và hình thành phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo có sức cạnh tranh cao, phù hợp với từng phân khúc thị trường khách du lịch, nâng cao khả năng chi trả và kéo dài thời gian lưu trú của khách, hạn chế tính mùa vụ và tăng tính bền vững cho du lịch thành phố.
Cùng với việc phát triển du lịch, lĩnh vực dịch vụ – thương mại cũng sẽ được khai thác hiệu quả từ lợi thế hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại; triển khai các giải pháp kết nối, hình thành chuỗi liên kết giữa các trung tâm du lịch, thương mại với các cơ sở sản xuất nông nghiệp, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá thương mại, kết nối trong khâu tiêu thụ, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường.
Đối với lĩnh vực công nghiệp, thành phố chú trọng tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 16/1/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Trong năm 2024, tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn; thành lập Cụm công nghiệp Hà Khẩu, thực hiện lộ trình tái cơ cấu cụm công nghiệp Hà Khánh và di dời cụm công nghiệp Hoành Bồ. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành quy hoạch, tạo quỹ đất thu hút đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp mới; di dời từ 50-60 cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch đô thị; tiếp tục thực hiện đúng lộ trình đóng cửa mỏ và các hoạt động sản xuất gây ô nhiễm.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, chú trọng nâng cao chất lượng giá trị gia tăng của sản phẩm, gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình phát triển kinh tế xã hội 12 xã vùng cao. Theo đó, phát triển nền nông nghiệp sinh thái xanh – sạch, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Có giải pháp hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất; khuyến khích hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã… Xây dựng chuỗi sản phẩm OCOP có tính hàng hóa cao, hình thành các sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường; phấn đấu có từ 5 sản phẩm mới tham gia chương trình OCOP.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai phát triển lâm nghiệp bền vững; xây dựng các giải pháp duy trì bảo vệ và phục hồi diện tích rừng tự nhiên hiện có gắn với bảo vệ hệ sinh thái, gắn liền với du lịch sinh thái và bảo vệ nguồn nước; tiếp tục rà soát bổ sung diện tích rừng phát triển mới để đưa vào quản lý, bổ sung quy hoạch, thực hiện trồng rừng thay thế. Thành phố cũng sẽ rà soát, xử lý dứt điểm, nghiêm minh các trường hợp nuôi trồng sai quy hoạch, sử dụng vật liệu làm lồng bè không thân thiện với môi trường; phát triển các loại thuỷ sản có giá trị kinh tế cao theo chuỗi liên kết từ nuôi trồng, khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo bền vững, hiệu quả.
Năm 2024, Hạ Long sẽ chủ động khắc phục một số tồn tại về thu ngân sách, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Nhất là tăng cường công tác quản lý thu phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu thuế; rà soát, sắp xếp, điều chỉnh các nhiệm vụ chi thường xuyên ngân sách nhà nước theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Đồng thời, quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn hằng năm đã phân bổ, hạn chế tối đa số dư dự toán bị hủy bỏ hoặc chuyển nguồn sang năm sau. Ưu tiên nguồn lực đầu tư các dự án để tập trung hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, có tính kết nối và lan tỏa giữa các khu vực của thành phố và với các địa phương trên địa bàn tỉnh; các dự án trọng điểm.
Ông Vũ Quyết Tiến, Bí thư Thành ủy Hạ Long, cho biết: Để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, thành phố sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, linh hoạt, sáng tạo để bảo đảm kịch bản tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, tập trung vào huy động mọi nguồn lực, đa dạng hóa hình thức đầu tư, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng; đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế.