Năm nay, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chạm mức cao kỷ lục, gần 160.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp có phần ngần ngại mở rộng sản xuất kinh doanh, số lượng doanh nghiệp đăng ký tăng vốn, số vốn tăng thêm sụt giảm đáng kể.
Số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố cho thấy bức tranh về tình hình đăng ký doanh nghiệp năm nay tiếp tục là điểm sáng trong toàn cảnh nền kinh tế.
Năm nay, gần 160.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, cao gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm. Tổng số vốn đăng ký mới của doanh nghiệp gia nhập thị trường có sự cải thiện qua các quý, tính chung cả năm 2023 đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng. Hơn 1 triệu lao động đăng ký mới trong năm qua.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tiếp tục ở mốc trên 200 nghìn doanh nghiệp (217.706 doanh nghiệp), tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm qua.
Tuy nhiên, tổng doanh nghiệp đăng ký tăng vốn giảm 8,1% so với cùng kỳ, đạt hơn 46.000 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký thêm hơn 2 triệu tỷ đồng.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận định, xu hướng tích cực hơn tiếp tục được duy trì và ngày càng rõ nét trong nhiều ngành, lĩnh vực. Quý I năm nay, tuy có sự sụt giảm về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (33.905 doanh nghiệp, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022) nhưng vẫn gấp 1,02 lần so với mức bình quân theo quý giai đoạn 2017-2022 (33.191 doanh nghiệp).
Trong các quý tiếp theo, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, ban hành nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có đà phục hồi ấn tượng, luôn ở mức trên 40 nghìn doanh nghiệp, là mức cao nhất theo quý từ trước tới nay.
Quý IV có 42.952 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,3 lần so với mức bình quân theo quý giai đoạn 2017-2022.
Năm nay, các giải pháp đã được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện như: Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp; nâng thời hạn visa điện tử cho khách du lịch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; công tác an sinh xã hội được quan tâm kịp thời, thiết thực.