Trong những năm vừa qua, các hội viên văn nghệ dân gian đã sáng tạo được những công trình văn nghệ dân gian có giá trị, tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể phục vụ đắc lực các sự kiện kinh tế chính trị của tỉnh, của đất nước.
Tại Quảng Ninh, có Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh, tổ chức hội tương đương với Hội VHNT Quảng Ninh và Chi hội Văn nghệ dân gian trực thuộc Hội VHNT Quảng Ninh. Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh hiện có hơn 300 hội viên bao gồm cả lĩnh vực sưu tầm truyền dạy và biểu diễn văn nghệ dân gian. Hội viên của Hội sinh sống ở khắp các địa phương trong tỉnh, trong đó tập trung đông nhất trên địa bàn TP Hạ Long.
Quảng Ninh có kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ là tư liệu quý để các hội viên, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian khai thác. Đó là các lễ hội truyền thống, nghi lễ tín ngưỡng, kỹ năng nghề truyền thống, diễn xướng dân gian, tri thức dân gian, văn học dân gian, phong tục tập quán… chính là nguồn cội của văn hóa, sẽ là yếu tố để con người có thể trải nghiệm cảm xúc với văn hóa.
Kể từ khi Luật Di sản văn hóa được ban hành, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được cụ thể hóa hơn với hàng loạt đề tài được thực hiện. Riêng về lễ hội có các dự án bảo tồn như: Lễ hội đình Lục Nà, Lễ hội đình Làng Dạ, Lễ hội đình Giang Võng, Lẩu then dân tộc Tày, Lễ hội Quan Lạn, Lễ hội Trà Cổ, Lễ hội đình Vạn Ninh, Lễ hội Đại Kỳ phước làng Hải Yến, Lễ hội Tiên Công, Lễ hội Xuống đồng, Lễ hội đình Đầm Hà, Hội Lồng tồng của dân tộc Tày, Hội làng Bằng Cả dân tộc Dao Thanh Y, Lễ Đại phan của dân tộc Sán Dìu… Về diễn xướng dân gian, có hát giao duyên của dân chài vùng biển tỉnh Quảng Ninh, bảo tồn và phát huy một số sinh hoạt văn hóa dân gian của ngư dân làng chài Cửa Vạn, tục hát soóng cọ của tộc người Sán Chỉ huyện Bình Liêu…
Bên cạnh đó, nhiều chương trình bảo tồn văn nghệ dân gian trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện và đem lại kết quả tốt. Quảng Ninh đã tích cực nghiên cứu sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị một số di sản văn hóa phi vật thể như: Hát nhà tơ – hát múa cửa đình, biên tập bộ sách Di sản Hán Nôm tỉnh Quảng Ninh gồm 3 tập, bộ sách Địa danh Quảng Ninh, phục dựng Lễ cầu mùa dân tộc Sán Chỉ (xã Đại Dực, huyện Tiên Yên), phục dựng Lễ hội đình Tràng Y (Đầm Hà), Lễ hội đình Lộ Phong ở Hạ Long.
Có thể thấy, Hạ Long, Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Móng Cái là những địa phương thời gian qua khá quan tâm đến bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, trong đó trọng tâm chú ý là việc xây dựng các làng văn hóa. Tỉnh đang xây dựng các thiết chế văn hóa gắn với du lịch cộng đồng như: Làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (Móng Cái); Làng người Tày ở Bản Cáu, xã Lục Hồn và Làng người Sán Chỉ ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động (Bình Liêu); Làng người Sán Dìu ở thôn Voòng Tre, xã Bình Dân (Vân Đồn). Các làng văn hóa sẽ tạo ra không gian diễn xướng cho các nghệ nhân có thể trình diễn các làn điệu dân ca dân vũ để phục vụ khách du lịch.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Quảng Ninh, cho rằng: Biến di sản văn hoá thành nguồn động lực vững chắc, tiềm năng phát triển kinh tế là cách bảo tồn và phát huy tốt nhất. Điều này cần sự chung tay vào cuộc của ngành văn hoá, các hội và chi hội văn nghệ dân gian, lực lượng biên phòng, các Ban Xây dựng nông thôn mới, các địa phương và toàn xã hội.