Theo chuẩn nghèo của Chính phủ, kết thúc năm 2022 tỉnh Quảng Ninh cơ bản không còn hộ nghèo. Như vậy, Quảng Ninh đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trước 3 năm. Ngay sau thời điểm này, ngày 30/3/2023, tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025.
Sự khác biệt của nghị quyết này là quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2023-2025 gồm: Tiêu chí thu nhập tại khu vực thành thị là 2,6 triệu đồng/người/tháng, ở khu vực nông thôn là 2,1 triệu đồng/người/tháng. Đây là mức chuẩn nghèo cao hơn khoảng 1,4 lần so với quy định chuẩn nghèo của Chính phủ hiện nay. Theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, thời điểm đầu năm 2023 Quảng Ninh còn 246 hộ nghèo, chiếm 0,064%; 3.066 hộ cận nghèo, chiếm 0,797% tổng số hộ dân toàn tỉnh.
Chuẩn nghèo đa chiều là căn cứ để xây dựng các chính sách về giảm nghèo như hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường… Thời gian qua, tỉnh và ngành, các địa phương đã đặc biệt quan tâm dành nguồn lực để triển khai thực hiện các chính sách liên quan đó.
Tại huyện Bình Liêu, việc triển khai giảm nghèo, giảm cận nghèo theo chuẩn mới của tỉnh được địa phương chú trọng đặc biệt. Năm 2010, Bình Liêu có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo là hơn 60%, là huyện có tỷ lệ nghèo cao nhất tỉnh. Bằng rất nhiều giải pháp, đến hết năm 2022 toàn huyện còn 11 hộ nghèo, chiếm 0,14% tổng dân số; số hộ cận nghèo là 82 hộ, chiếm tỷ lệ 1,05%.
Như vậy có thể thấy tốc độ giảm nghèo, giảm cận nghèo của Bình Liêu là khá nhanh. Bởi thực tế ở Bình Liêu diện tích đất canh tác nhỏ hẹp, chia cắt, trình độ canh tác, sản xuất kinh doanh của người dân chưa cao, công tác ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất còn hạn chế, các sản phẩm đặc thù chưa nhiều, trong khi đó tỷ lệ người DTTS cao (khoảng 96%), trình độ dân trí thấp… Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bình Liêu Lý Văn Bình, nhìn nhận rõ những đặc thù trên, huyện Bình Liêu đã đặc biệt chú trọng đến tính bền vững, tránh tình trạng tái nghèo, tái cận nghèo.
Cùng với Bình Liêu, các địa phương ở Quảng Ninh trong năm 2023 đều triển khai những giải pháp giảm nghèo, giảm cận nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh một cách bền vững.
Áp theo chuẩn nghèo của Chính phủ, đến nay toàn tỉnh không còn hộ nghèo, số hộ cận nghèo là 925 hộ, chiếm tỷ lệ 0,241% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh đã giảm 258 hộ nghèo, tương đương giảm 0,067%; giảm 1.529 hộ cận nghèo, tương đương giảm 0,394%.
Theo chuẩn nghèo quy định tại Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, tính đến 30/11/2023, toàn tỉnh có 246 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,064% tổng số hộ dân toàn tỉnh và 3.063 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,797%. Toàn tỉnh có 7/13 địa phương không còn hộ nghèo, 6 địa phương còn lại có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%. Trong tổng số 13 địa phương, TP Hạ Long không còn hộ cận nghèo, 7 địa phương có tỷ lệ hộ cận nghèo dưới 1%, 5 địa phương có tỷ lệ hộ cận nghèo trên 1%.
Thực tế trong công tác giảm nghèo thời gian qua, Quảng Ninh đã đề ra những việc cần làm, cùng những giải pháp lâu dài, bền vững riêng có. Đây là cơ sở để tin rằng công tác giảm nghèo với những tiêu chí giảm nghèo nâng cao của tỉnh sẽ tiếp tục được thực hiện hiệu quả, góp phần vào việc xây dựng, tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội của địa phương, củng cố những thành quả, tiếp thêm niềm tin của nhân dân đối với sự ngiệp đổi mới, tạo sự cân đối giữ tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội, ổn định chính trị – xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đảm bảo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra.
Hiện Quảng Ninh đặt mục tiêu đến hết năm 2024 không còn hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Đến năm 2025 thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn đạt trên 5.000 USD/người, đến năm 2030 đạt 8.000-10.000 USD/người.