Sáng ngày 22/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Ninh có các đồng chí: Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội. Trong 5 năm qua, bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm. Chỉ tính riêng năm 2022, thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa và bình quân lực lượng lao động thu hút khoảng 1,7 triệu đến 2,3 triệu người, tăng 7,44%/năm. Có thể thấy, Việt Nam đang là quốc gia tầm trung trên toàn thế giới về phát triển công nghiệp văn hoá và còn nhiều dư địa phát triển.
Sau khi Chính phủ ban hành “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó xác định phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình phù hợp.
Đồng thời, thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Đề án thí điểm phát triển công nghiệp văn hóa tại Quảng Ninh, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 “về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”; trong đó xác định phát triển công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức sản xuất ở trình độ cao là một trong 3 khâu đột phá.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong phát triển văn hóa trên cả nước trong những năm qua. Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến; sớm trình ban hành văn bản phù hợp, nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, tư duy và hành động; tạo ra sản phẩm, kết quả cụ thể cho phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Trong quá trình phát triển ngành công nghiệp văn hóa, cần bám sát các chủ trương của Đảng.
Thủ tướng cũng đã nêu rõ 5 cơ sở chính trị rất quan trọng để phát triển ngành công nghiệp văn hóa; những kết quả, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm và phương hướng phát triển công nghiệp văn hóa trong thời gian tới. Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan phải tập trung tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, cách tiếp cận phù hợp, bình đẳng về chính sách thuế, đầu tư, đất đai, tiếp cận tín dụng và các chính sách khác.