Trong thời gian qua, với trách nhiệm của mình, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp và các tổ chức chính trị – xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận, phát huy tinh thần đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội làm nòng cốt” để nhân dân làm chủ; đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị – xã hội của tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt, đẩy mạnh công tác xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp với cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; về quyền làm chủ của nhân dân, nhất là những quyền dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện; tổ chức để nhân dân sử dụng đúng quyền và nghĩa vụ của mình đã quy định trong pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Trong năm 2023, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh hoàn thành việc tổ chức 7 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ chủ chốt MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp tại 7 địa phương Móng Cái, Cẩm Phả, Vân Đồn, Đầm Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ, Uông Bí với hơn 950 đại biểu tham dự. Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh cũng đã tổ chức 9 Hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở bằng các hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến cho hơn 11.000 đại biểu đại diện cấp uỷ, đại diện Ban chỉ đạo quy chế dân chủ, cán bộ MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp tham dự.
Đặc biệt, để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5 và thứ 6, Quốc hội khóa XV, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức tốt các cuộc tiếp xúc cử tri với trên 7.728 cử tri tham dự và 124 cử tri phát biểu ý kiến. Những ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, cấp xã đã được lãnh đạo địa phương trực tiếp tiếp thu, giải đáp tại hội nghị; các ý kiến thuộc phạm vi của tỉnh được tổng hợp gửi tới UBND tỉnh xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh thống nhất với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp báo cáo tâm tư, nguyện vọng và ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tỉnh Quảng Ninh gửi tới Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.
Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục thực hiện nền nếp, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, từng bước đáp ứng yêu cầu thực tiễn người dân. Năm 2023, Uỷ ban MTTQ tỉnh đã triển khai 5 chương trình giám sát. Thông qua giám sát đã kiến nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền khắc phục những bất cập trong công tác quản lý, điều hành của nhà nước, địa phương.
Công tác tổ chức phản biện xã hội cũng được triển khai thực hiện hiệu quả như tổ chức phản biện đối với dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh về Quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2023-2025 bằng hình thức tổ chức Hội nghị. MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội trong tỉnh đã tổ chức được 2.561 hội nghị với 130.225 lượt người dân tới tham dự và có 6.031 lượt ý kiến tham gia vào các nội dung của Dự thảo Luật đất đai sửa đổi; đồng thời triển khai lấy ý kiến qua các trang điện tử, cổng điện tử thành phần và các trang cộng đồng Fanpage Facebook, các nhóm zalo của MTTQ các cấp…
Những kết quả đó, đã góp phần làm cho dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh thực hiện ngày càng thực chất hơn, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền ngày càng tốt hơn. Vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân của MTTQ các cấp ngày càng hiệu quả.