Chiều 21/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị đánh giá tình hình 2 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Cùng dự có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban.
Trong năm 2022, năm 2023, Đề án 06 đã được Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt, thể hiện bằng 6 Chỉ thị, 21 Nghị quyết, 4 công điện. Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì 5 Hội nghị trực tuyến toàn quốc; ban hành văn bản 452 chỉ đạo tháo gỡ những “điểm nghẽn” về Đề án 06. Các đồng chí Phó Thủ tướng được phân công phụ trách trực tiếp giao ban 28 buổi định kỳ, đột xuất với Tổ Công tác và các bộ, ngành để chỉ đạo giải quyết từng nhiệm vụ cụ thể theo chuyên đề và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Tổ Công tác triển khai Đề án của Chính phủ phát huy vai trò thường trực, duy trì giao ban hàng tháng và trực tiếp làm việc với từng bộ, ngành để bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý, hạ tầng công nghệ, dữ liệu, an ninh an toàn, bảo mật, kinh phí triển khai; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ; làm việc với Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để thúc đẩy chuyển đổi số tại 19 tập đoàn, Tổng Công ty; làm việc với các 26 địa phương để đôn đốc, chỉ đạo thực hiện Đề án.
Kết quả cụ thể, về hoàn thiện thể chế: đến nay, đã hoàn thành 5/5 văn bản pháp luật theo lộ trình Đề án 06, gồm: 1 Luật căn cước; 2 Nghị định (Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử, Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân), 2 Thông tư (Quy định về kết nối, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư). Ngoài ra, các bộ, ngành đã tham mưu ban hành Luật Giao dịch điện tử; Nghị định 104 sửa đổi, bổ sung một số điều của 19 Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng… tạo hành lang pháp lý để triển khai các nhiệm vụ quan trọng của Đề án 06.
Đã hoàn thành, cung cấp 25/25 dịch vụ công theo Đề án số 06 và 13/28 dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg, ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Trong đó, 23/25 dịch vụ công thiết yếu đã được thực hiện toàn trình. Năm 2023, tỷ lệ người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến các địa phương đạt 58,2% (cao hơn chỉ tiêu 40%); tại các bộ, ngành đạt 31,7% (chưa đạt chỉ tiêu 40%), riêng Bộ Công an đạt 75%. Nhiều thủ tục hành chính có tỷ lệ người dân trực tuyến cao như: Thông báo lưu trú (97%); Đăng ký cấp biển số xe ô tô lần đầu (80,5%); Thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện (75,6%); Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp (73%); Đăng ký tạm trú (87,3 3%); cấp hộ chiếu phổ thông (90,28%)…
Việc thực hiện các dịch vụ công thiết yếu hàng năm đã tiết kiệm cho Nhà nước 2.505 tỷ đồng… Thu hút người dân tham gia thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, các bộ, ngành, địa phương đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, cung cấp các công cụ để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân; đồng thời, thực hiện các chính sách miễn,giảm phí, lệ phí phù hợp. Trong đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 63, ngày 16/10/2023, có hiệu lực từ ngày 1/12/2023 và áp dụng đến hết năm 2025 với mức giảm phí, lệ phí từ 10% đến 50%. Đã có 53/63 địa phương tham mưu với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành Nghị quyết miễn giảm phí, lệ phí. Riêng Thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 07, ngày 4/7/2023 quy định thu phí, lệ phí với mức thu 0 đồng đến hết ngày 31/12/2025 để khuyến khích người dân tham gia thực hiện.
Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là công việc khó, chưa có tiền lệ, nếu không có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt thì khó đạt được.
Có thể nói, một trong những “điểm sáng” của chuyển đổi số ở nước ta trong 2 năm qua là Đề án 06; chúng ta đã thu được những kết quả bước đầu tích cực, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Qua đó góp phần thay đổi phương thức quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý công dân; góp phần hạn chế tiêu cực, “tham nhũng vặt”; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Tuy nhiên, để hoàn thành các mục tiêu Đề án 06 đến năm 2025, phía trước chúng ta còn rất nhiều việc phải làm; có một số việc đề ra nhưng chậm tiến độ, phải khẩn trương triển khai; có những việc chúng ta nhìn thấy “nguy cơ” khó có thể hoàn thành nếu không chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, nhất quán, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở.
Nhằm thực hiện thành công Đề án 06, Thủ tướng đề nghị các đồng chí cùng nhau thảo luận, phân tích những nội dung:
Một là, đánh giá thực chất tình hình, trung thực, khách quan, có minh chứng bằng số liệu cụ thể những kết quả đạt được trong 2 năm qua. Đồng thời, các đồng chí chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo của đơn vị, địa phương mình.
Hai là, thẳng thắn chỉ rõ những nội dung còn chậm tiến độ (Đơn vị nào chậm? Nguyên nhân là gì, cả khách quan và chủ quan?); những vấn đề còn có khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách và quá trình triển khai thực hiện.
Ba là, đề xuất các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới (chỉ rõ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, từng bộ, ngành cần phải làm gì? Ở địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã phải làm gì?); cũng như các quan điểm mới trong triển khai Đề án 06.
Thủ tướng nêu rõ, người dân là trung tâm, chủ thể, lấy người dân là thước đo hiệu quả của cải cách hành chính. Vấn đề là chúng ta phải quyết tâm, cái gì vướng mắc thì phải cùng nhau tháo gỡ. Chúng ta cần đánh giá xem tỉnh, ngành nào làm tốt thì khen thưởng, tỉnh, ngành nào không làm tốt thì phải bị xử lý theo quy định.