Những năm qua, cùng với sự phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS), công tác quan trắc cảnh báo môi trường vùng nuôi thủy sản để phục vụ sản xuất cũng được các ngành chức năng và địa phương trong tỉnh tập trung chú trọng và đạt được những kết quả khả quan.
Thực hiện Kế hoạch số 48/KH-UBND ngày 24/02/2023 của UBND tỉnh về phòng chống dịch bệnh ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh năm 2023, từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) đã phối hợp với Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc tổ chức 11 chuyến kiểm tra và thu mẫu phân tích các yếu tố thủy lý, thủy hóa và thủy sinh phục vụ nuôi các đối tượng chủ lực, đặc thù của tỉnh Quảng Ninh gồm: tôm, nhuyễn thể, cá biển, cá nước ngọt tại các địa phương Móng Cái, Đầm Hà, Hải Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Uông Bí và Đông Triều.
Theo đó, tần suất quan trắc là 1 lần/tháng đối với các tháng 4,5,7,10,11 và tần suất 2 lần/tháng vào các tháng 6,8,9. Các thông số quan trắc được chia thành 3 nhóm: Nhóm thông số quan trắc nuôi tôm; nhóm thông số quan trắc nuôi nhuyễn thể, cá biển và nhóm thông số quan trắc cá nước ngọt. Trên cơ sở này, Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc đã tiến hành lấy 4.840 mẫu, trong đó: 3.850 mẫu tại 35 điểm quan trắc tại khu vực nuôi tôm (gồm 21 hộ nuôi và 14 điểm nguồn nước cấp); 990 mẫu tại 10 điểm quan trắc khu vực nuôi nhuyễn thể (gồm 10 hộ nuôi). Các chỉ tiêu quan trắc đối với nhóm thông số quan trắc nuôi tôm: Tiến hành phân tích 10 chỉ tiêu gồm: Nhiệt độ, độ mặn, pH, DO, NH4+, COD, H2S, NH3, vi khuẩn Vibrio tổng số, thực vật phù du tảo độc. Đối với nhóm thông số quan trắc nuôi nhuyễn thể, cá biển phân tích 9 chỉ tiêu gồm: Nhiệt độ, độ mặn, pH, DO, COD, NH4+, H2S, NH3, thực vật phù du tảo độc.
Trong mỗi đợt quan trắc, trong vòng ba ngày kể từ khi kết thúc đợt thu mẫu, đơn vị quan trắc môi trường đã gửi kết quả sơ bộ và trong vòng năm ngày làm việc gửi báo cáo kết quả quan trắc môi trường đến Chi cục Thủy sản để Chi cục kịp thời thông báo cho các địa phương đồng thời khuyến cáo các biện pháp xử lý đối với các khu vực nuôi có các chỉ số quan trắc vượt ngưỡng cho phép. Theo đó, qua kết quả quan trắc, ngành nông nghiệp đã đưa ra một số khuyến cáo đến các khu vực nuôi như: Các hộ nuôi nghiêm túc duy trì mật độ nuôi phù hợp, không thả nuôi hàu với mật độ cao dẫn đến thiếu nguồn thức ăn cho hàu phát triển, làm hàu yếu, tăng nguy cơ nhiễm bệnh vi khuẩn; tiến hành thu hoạch hàu nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm; cơ sở nuôi cần định kỳ vệ sinh rổ, dây hàu, tạo độ thông thoáng cho bãi nuôi, từ đó làm giàu nguồn thức ăn, tăng sức đề kháng cho hàu nuôi và nâng cao chất lượng môi trường nước khu vực nuôi…
Theo dự báo, thời gian tới, môi trường nuôi thủy sản vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ suy thoái, khó kiểm soát, do đó, để công tác quan trắc, cảnh báo, giám sát môi trường nuôi thủy sản đạt hiệu quả cao hơn, bảo đảm năng suất, chất lượng sản phẩm thủy sản, ngành nông nghiệp tỉnh có kế hoạch tiếp tục tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân lực lấy mẫu, phân tích mẫu; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về kết quả các đợt, địa điểm quan trắc; thông tin nhanh nhất kết quả quan trắc và cảnh báo môi trường đến các cơ quan quản lý, người nuôi góp phần xây dựng kế hoạch sản xuất thủy sản phù hợp.