Lễ hội đình Đầm Hà vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân đồng bằng Bắc Bộ, kết hợp những nét độc đáo của diễn xướng dân gian hát nhà tơ – hát, múa cửa đình của cư dân ven biển.
Đình Đầm Hà được xây dựng từ cuối thế kỷ XVII, là một trong những ngôi đình lớn, có không gian kiến trúc mang đậm nét đặc trưng của những ngôi đình cổ Việt Nam. Năm 1963, đình Đầm Hà cũng như nhiều ngôi đình khác trong huyện bị dỡ bỏ. Năm 2008, đình Đầm Hà được xây dựng lại nơi thờ tự với phần hậu cung đình tạm và ngày càng giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của nhân dân. Với những giá trị của mình, năm 2010 đình Đầm Hà được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.
Năm 2012, đình Đầm Hà được đầu tư xây dựng lại theo kiến trúc truyền thống, bao gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung, kiến trúc cổ mặt chữ “Đinh”, bốn mái. Đình thờ 12 vị tiền nhân của dòng họ Hoàng, họ Phan sinh sống lâu năm ở đây và 15 vị hậu thần đã góp công xây dựng đình.
Đình Đầm Hà là không gian chính diễn ra các hoạt động của lễ hội đình Đầm Hà. Lễ hội đình Đầm Hà trước đây được tổ chức vào giữa tháng Giêng hằng năm, với các nghi thức tế lễ, có nhiều nét độc đáo, riêng biệt hiếm thấy trong các lễ hội tín ngưỡng dân gian ở Quảng Ninh. Năm 1963, đình Đầm Hà bị dỡ bỏ nên lễ hội từ đó không còn duy trì. Từ năm 2007 đến 2008, Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch (nay là Sở Văn hoá – Thể thao) đã tìm hiểu, triển khai Đề tài nghiên cứu phục dựng, bảo tồn và phát huy lễ hội đình Đầm Hà (huyện Đầm Hà) với nguồn kinh phí hơn 500 triệu đồng, do ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Theo thường lệ, lễ hội đình Đầm Hà diễn ra trong 3 ngày (15 đến 17 tháng Giêng) với các nghi lễ truyền thống: Lễ cáo yết, lễ rước 16 mâm cỗ chay ra đình, rước thần từ miếu Rừng Nghè về đình, lễ an vị, nhập tịch thần, lễ đóng cây đống đám, lễ tế thành hoàng làng, lễ khai hội, lễ cáo trạng, lễ tống thần…
Mỗi nghi lễ gắn với một điển tích nhằm giáo dục con cháu nhớ ơn tổ tiên, thần, phật; răn dạy con người sống hòa thuận, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, quốc thái, dân an. Lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân đồng bằng Bắc Bộ. Phần lễ được tổ chức trọng thể trong không khí trang nghiêm, thành kính và được chuẩn bị chu đáo.
Lễ hội đình Đầm Hà mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân đồng bằng Bắc Bộ, nhưng vẫn có những nét riêng độc đáo, đó là sự kết hợp các điệu múa trong lúc tế, chạy cờ xung quanh đình và miếu, hát ca trù, hát xướng ả đào mừng thành hoàng về dự hội. Thực chất, hát nhà tơ – hát, múa cửa đình còn gọi là hát mừng thần, là một biến thể của hát ca trù, hát ả đào có xuất xứ từ các ngư dân gốc ở vùng duyên hải Bắc Trung Bộ. Đây vừa là nét văn hóa đặc sắc vừa là nghi thức tâm linh được duy trì nhiều năm nay. Do đó, lễ hội được tổ chức nhằm khơi dậy ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử; đồng thời nhằm góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đáp ứng nhu cầu về văn hóa tinh thần, tín ngưỡng, tâm linh của bà con nơi đây và du khách thập phương.
Những năm gần đây, lễ hội đình Đầm Hà được tổ chức cùng với Tuần lễ Văn hóa – Thể thao các dân tộc huyện Đầm Hà. Lễ hội có các trò chơi dân gian truyền thống như: Thi gói bánh chưng, kéo co, đập niêu, đẩy gậy, chọi gà. Các hoạt động của Tuần Văn hóa – Thể thao các dân tộc cũng sẽ diễn ra sôi nổi, như: Thi trình diễn trang phục đặc sắc của các dân tộc, thi trình bày mâm cỗ giới thiệu các món ăn đặc sản của địa phương, giải bóng chuyền hơi… Lễ hội đình Đầm Hà đã đem đến cho nhân dân và du khách thập phương những trải nghiệm thú vị và được hòa mình vào không gian văn hóa của các lễ hội đầu năm trên địa bàn huyện.