Năm 2023, lần đầu tiên GRDP Quảng Ninh dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Hồng, thu hút vốn FDI đứng đầu toàn quốc, khách du lịch đạt kỷ lục mới với tổng số 15,5 triệu lượt… kết quả này có được là do tỉnh đã quyết tâm, quyết liệt, chủ động vượt khó, đặc biệt thực hiện hiệu quả ba đột phá chiến lược.
Bước vào triển khai nhiệm vụ năm 2023 trong bối cảnh khó khăn chưa từng có, tỉnh phải triển khai đồng thời khối lượng công việc rất lớn, chưa kiện toàn đủ lãnh đạo chủ chốt của UBND tỉnh… Tuy nhiên, với tư duy kiến tạo, đồng thuận và kế thừa, nhận định rõ những cơ hội để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu đánh thức những tiềm năng mới, đáp ứng yêu cầu phát triển bao trùm, toàn diện, tỉnh đã triển khai thành công, hiệu quả các mục tiêu đề ra trong năm 2023.
Trong đó, việc đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược được coi là động lực quan trọng để Quảng Ninh hiện thực hóa các nhiệm vụ, kế hoạch trong bối cảnh, tình hình mới. Bám sát các nghị quyết, chỉ đạo từ Trung ương, tỉnh ban hành Nghị quyết 12-NQ/TU (ngày 28/11/2022) về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể đối với từng phần việc để tập trung triển khai thực hiện với ý chí tự lực, tự cường, chung sức, đồng lòng, kiên trì, nỗ lực, chủ động cao.
Qua đó, tiếp tục tạo đột phá về hạ tầng khi đưa 36 dự án, công trình vào gắn biển chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh. Đặc biệt, nhiều dự án trọng điểm, có tác động tích cực đến công tác thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch và cải thiện điều kiện đời sống, sức khỏe nhân dân như: Bệnh viện Phổi, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, các trường THPT Bình Liêu, Cẩm Phả và Quảng La, tỉnh lộ 341 nối KKT cửa khẩu Móng Cái và KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh, từng bước hoàn chỉnh hạ tầng giao thông theo định hướng phát triển hạ tầng cơ bản tại các KKT cửa khẩu… Hạ tầng KCN, KKT tiếp tục được đầu tư xây dựng đồng bộ, tạo điều kiện để triển khai các kế hoạch thu hút đầu tư, hình thành lên các trung tâm kinh tế trọng điểm, động lực. Hạ tầng đô thị được chỉnh trang đồng bộ, văn minh, hiện đại, sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn, hướng tới mô hình đô thị thông minh.
Cùng với đó, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được đẩy mạnh. Tỉnh triển khai nhiều giải pháp để tiếp tục giữ vững, cải thiện điểm số của các Chỉ số PCI, Par Index, SIPAS, PAPI; thực hiện miễn giảm một số khoản phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến. Cung cấp 1.771 thủ tục hành chính của 3 cấp chính quyền, trong đó cung cấp 1.121 dịch vụ công trực tuyến, với tỷ lệ dịch vụ công toàn trình và một phần đạt 71%. Tổng vốn thu hút đầu tư trong và ngoài nước ước đạt 5 tỷ USD. Trong đó, thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 1,9 tỷ USD, vượt 17,3% kế hoạch; thu hút vốn FDI đạt 3,1 tỷ USD, dẫn đầu cả nước, đưa tổng số dự án FDI lên 174 đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 14 tỷ USD.
Công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số tiếp tục được quan tâm. Đây là yếu tố quan trọng, nền tảng vững chắc tạo đà cho sự phát triển bền vững. Do đó, thời gian qua, hàng loạt quyết sách quan trọng liên quan đến y tế, giáo dục, đặc biệt là thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao được tỉnh triển khai. Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khóa XIV vừa qua, Quảng Ninh tiếp tục thông qua các nghị quyết về chính sách thu hút bác sĩ về làm việc tại một số đơn vị thuộc tỉnh; nghị quyết hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc thường xuyên một số các địa bàn vùng khó…
Tỉnh đang đẩy mạnh mô hình doanh nghiệp gắn với đào tạo nghề nghiệp, xã hội hóa lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động tại các vùng khó khăn và các đối tượng chính sách.
Để đảm bảo các điều kiện tốt nhất, cùng với các chính sách hỗ trợ, tỉnh đang đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện nhà ở xã hội phục vụ công nhân và chuyên gia tại KCN Đông Mai, KCN Sông Khoai và đồi Ngân hàng, TP Hạ Long. Đến nay, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt gần 87%, trong đó tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ chiếm 50%. Tốc độ năng suất lao động bình quân tăng 13,1%, đạt 458,5 triệu đồng/người/năm…
Sự chuyển động mạnh mẽ, đi vào chiều sâu của cả ba khâu đột phá chiến lược ở năm 2023, đã tạo động lực rất lớn để Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ phát triển KT-XH trong năm và chuẩn bị cho lộ trình bứt phá của tỉnh năm 2024 cũng như giai đoạn tiếp theo.