Nhạc sĩ Lê Minh Châu – tác giả ca khúc Dàn đồng ca mùa hạ – qua đời ngày 11/12 nhưng nay thông tin về đám tang của ông mới được một số người quen chia sẻ.
Ông là cha ruột của nhạc sĩ Lê Minh Sơn.
Ca khúc Dàn đồng ca mùa hạ (nhạc Lê Minh Châu, phổ thơ Nguyễn Minh Nguyên) là một trong 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20 do báo Tiền Phong, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ban khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam, ban âm nhạc Đài tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức bình chọn năm 1999.
Đây cũng là ca khúc gắn liền với nhiều thế hệ thiếu nhi của nước ta.
Âm nhạc tuổi thơ là điều gì đó rất mê
Nhạc sĩ Lê Minh Châu sinh năm 1944, quê ở Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống Nho học, ngay từ nhỏ, nhạc sĩ Lê Minh Châu được hướng theo con đường phát triển tri thức.
Ông vốn là sinh viên khoa văn nhưng lại yêu âm nhạc và kiên trì theo đuổi ước mơ cho tới khi đỗ vào Nhạc viện Hà Nội vào năm 1977. Học cùng lớp ông khi đó có nhạc sĩ Nguyễn Cường.
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành sáng tác tại đây, ông về công tác tại phòng nghệ thuật Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo) tới khi nghỉ hưu.
Nếu con trai Lê Minh Sơn nổi tiếng với các ca khúc dân gian đương đại thì nhạc sĩ Lê Minh Châu lại gắn liền với nhiều sáng tác dành cho các em thiếu nhi như Quả địa cầu, Bàn tay của mẹ, Em đi bên Hồ Gươm, Dàn đồng ca mùa hạ, Quả thị, Cơn mưa…
Trong đó bài Dàn đồng ca mùa hạ được nhiều người biết đến hơn cả. Bài hát cũng được đưa vào giảng dạy trong chương trình âm nhạc lớp 5.
Ông từng kể trong một lần đọc báo Thiếu Niên Tiền Phong, ông bắt gặp những câu thơ rất thú vị của nhà thơ Nguyễn Minh Nguyên.
Ông chọn 4/6 khổ thơ của bài thơ để phổ nhạc, sửa 7-8 từ và thêm một đoạn để tạo thêm một hình tượng âm nhạc mới trong ca khúc Dàn đồng ca mùa hạ.
Trong một lần trả lời truyền hình, nhạc sĩ nói đảm nhiệm biên soạn sách giáo khoa âm nhạc, tham gia giảng dạy các lớp bồi dưỡng âm nhạc cho giáo viên, mấy chục năm làm ở viện là mấy chục năm ông đi xuống các trường học và tiếp xúc với các em nhỏ. Âm nhạc tuổi thơ với ông là một cái gì đó rất là mê, thích thú. Ông coi đó là sứ mệnh để mình gắn vào.
Ngoài mảng sáng tác nhạc thiếu nhi, nhạc sĩ Lê Minh Châu cũng có một số tác phẩm khí nhạc như Biển chiều, Đất quê hương, Cảm xúc sông Đà.
Trong đó, đáng chú ý là tác phẩm Biển chiều được viết năm 1977, khi còn là sinh viên năm nhất học viện.
Theo yêu cầu của thầy giáo khi đó, sinh viên phải viết một ca khúc hoặc một nhạc phẩm không lời, nhạc sĩ Lê Minh Châu chọn độc tấu violon và piano.
Quê nhạc sĩ không có biển nhưng gần sông Đáy. Ông muốn viết hồi ức về quê hương nên mượn chất phóng khoáng của biển cả, ban đêm đi dọc bờ đê sông Đáy để lấy cảm hứng và viết nên Biển chiều.
Lấy tiếng nói của các em làm đầu
Nghe tin nhạc sĩ Lê Minh Châu qua đời, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường chợt nhớ tới nhiều kỷ niệm cũ gắn liền với bạn mình.
Nhân dịp Trường THPT Trưng Vương (Hà Nội) kỷ niệm 100 năm thành lập, trường cần một sáng tác mới nên đã mời một số nhạc sĩ đến, trong đó có nhạc sĩ Hoàng Lân, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường và nhạc sĩ Lê Minh Châu.
“Tôi nhớ anh Châu nói, sáng tác cho trẻ em không phải là dễ. Nó không được cao quá hoặc thấp quá, mà phải có gì mới, lời phải trau chuốt, không nói chung chung được”, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường kể với Tuổi Trẻ Online.
Lúc đó nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường đang là phó chủ tịch thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội. Nhạc sĩ Lê Minh Châu nói với ông: “Ở Việt Nam người ta chú ý tới nhạc cho người lớn nhiều mà chưa có nhiều sự quan tâm tới nhạc cho các em nhỏ”.
“Hội phải làm sao kêu gọi được các nhạc sĩ sáng tác thêm nhiều ca khúc cho các em nhưng phải nhớ lấy tiếng nói, tâm tư, tình cảm của các em làm đầu thì mới là nhạc của các em được”, ông nhớ lại lời dặn của bạn.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường, nhạc sĩ Lê Minh Châu là người có nhân cách lớn. Hiền lành, cẩn thận và trung thực.
Lễ tang nhạc sĩ được tổ chức vào 7h ngày 14-12 tại nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 103, Hà Nội. Lễ truy điệu diễn ra lúc 9h15 cùng ngày. Sau đó, ông được an táng tại nghĩa trang thôn Do Lộ, Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội. |