Năm 2023, Hạ Long vinh dự là một trong 4 đô thị có thành tích xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua “Xây dựng đô thị thông minh, xanh – sạch – đẹp – sáng gắn với tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu” do Cụm các đô thị vùng Đông Bắc bình chọn. Để có được kết quả này, thành phố luôn xác định, xây dựng đô thị phát triển bền vững phải gắn liền với tăng trưởng xanh và không ngừng triển khai mạnh mẽ các giải pháp để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra.
Phong trào thi đua “Xây dựng đô thị thông minh, xanh – sạch – đẹp – sáng gắn với tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu” do Hiệp hội Các đô thị Việt Nam phát động nhằm tạo nên sức lan tỏa lớn khắp cả nước về phát triển đô thị theo hướng thân thiện gắn với bảo vệ môi trường và tăng trưởng bền vững. Phong trào được đánh giá trên 4 tiêu chí: Đô thị thông minh; đô thị xanh; đô thị sạch và đô thị đẹp – sáng gắn với tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Triển khai phong trào, Hạ Long đã tập trung cho công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức trong việc giữ gìn trật tự đô thị và vệ sinh môi trường. Thành phố đã biên soạn và phổ biến tài liệu “Hỏi – Đáp” về trật tự đô thị và vệ sinh môi trường với 93 câu hỏi – đáp để phát, phổ biến đến các cơ quan, đơn vị, trường học, tổ chức đoàn thể, hộ gia đình. Trong đó, ưu tiên gửi, phổ biến các tài liệu điện tử “Hỏi – Đáp” trong các nhóm zalo của tổ dân, khu phố hoặc đọc, phát trên các hệ thống loa phát thanh, phát trên các xe tuyên truyền lưu động.
Bà Nguyễn Thị Hương (khu 3, phường Cao Xanh), cho biết: Hàng tuần, chúng tôi đều được cập nhật về công tác trật tự, môi trường của khu phố trong nhóm zalo, nhất là với những trường hợp cố tình vứt rác bữa bãi hoặc lấn chiếm lòng đường… nên ý thức của người dân ngày một nâng cao. Các trường hợp vi phạm giờ gần như không còn nên khu phố lúc nào cũng sạch đẹp.
Do quá trình đô thị hóa, gia tăng dân số nhanh khiến khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng tăng, hàng năm, công tác vệ sinh môi trường luôn được quan tâm chú trọng, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt của các đô thị được duy trì ở mức 100%. Tại các tuyến phố chính cơ bản không còn hiện tượng đổ rác, phế thải bừa bãi, một số khu vực ngoại thị, dân cư thưa, các hộ sản xuất nông nghiệp… nhân dân tự thu gom và xử lý rác thải để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Gắn kết các tiêu chí với tăng trưởng xanh, những năm gần đây, thành phố đã tăng cường đầu tư trồng mới cây xanh với số lượng lớn, đa dạng về chủng loại, phù hợp với từng khu vực đô thị. Mật độ cây xanh trong đô thị được duy trì ở mức 6,23m2/người đến 10m2/người, đảm bảo mỹ quan hình thành những tuyến phố đẹp, văn minh đô thị.
Công tác chống lấn chiếm mặt nước và thảm cỏ cũng được TP Hạ Long đặc biệt chú trọng, diện tích mặt nước, thảm cỏ của thành phố được mở rộng với nhiều công trình, dự án hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Thông qua việc đầu tư, cải tạo các ao, hồ nước tự nhiên kết hợp với xây dựng vành đai các khuôn viên, công viên cây xanh đã tạo cảnh quan kiến trúc sáng, đẹp, hiện đại, tạo mỹ quan đô thị và góp phần bảo vệ các ao, hồ khỏi hiện tượng bị san lấp do quá trình đô thị hóa.
Bên cạnh đó, tỷ lệ chiếu sáng công cộng của thành phố luôn đạt 100% trên các tuyến đường, phố chính, trên 70% các ngõ xóm được lắp đặt điện chiếu sáng, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.
Cùng với các tuyến đường chính được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, các tuyến đường ngõ, xóm cũng được thành phố rà soát, đầu tư. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong năm 2023, toàn thành phố đã có 39 dự án cải tạo khu dân cư, khu đô thị đã hoàn thành, hiện có 16 dự án đang thi công, 4 dự án đã phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, 2 dự án đang lập thủ tục đầu tư, 3 dự án đang vận động nhân dân triển khai.
TS. Nguyễn Thị Kim Sơn, Phó Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam, cho biết: Trong 14 đô thị thuộc Cụm đô thị vùng Đông Bắc, TP Hạ Long đã có nhiều giải pháp đổi mới, là hình mẫu cho nhiều đô thị khác như: Tập trung mọi nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải tạo khu dân cư cũ; ứng dụng công nghệ số trong phát triển đô thị thông minh, gia tăng tỷ lệ cây xanh; đưa phong trào VSMT đến từng ngõ, xóm… Đặc biệt là thành phố đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các tiêu chí xanh, sạch, đẹp gắn với tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để phong trào này đạt hiệu quả cao hơn nữa, nhất là với một địa phương ven biển và sở hữu Di sản thiên nhiên thế giới, TP Hạ Long cần chú trọng phát triển giao thông đô thị xanh và các hình thức giao thông phát thải thấp cũng như tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo. Cùng với đó, thành phố cần nhân rộng mô hình cộng đồng tham gia quản lý rác thải; quản lý chặt chẽ nước thải công nghiệp; chấm dứt các hoạt động chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư…