Giá rớt còn 1.500 đồng một kg do nhu cầu giảm, nhiều người dân thôn Dương Quang – vùng chuyên canh lớn nhất tỉnh – phải đổ củ đậu cho bò.
Thôn Dương Quang xã Đức Thắng (huyện Mộ Đức) là làng nghề trồng củ đậu truyền thống của tỉnh Quảng Ngãi với 300/436 hộ trồng trên diện tích 36 ha.
Người dân địa phương này thường trồng củ đậu trái vụ, bắt đầu gieo giống từ khoảng tháng 8-9 để thu hoạch và bán cuối năm đến Tết Nguyên đán.
Ông Nguyễn Tư, 64 tuổi, cho biết những năm trước, ôtô tải từ các tỉnh miền bắc, miền nam về thôn Dương Quang tấp nập để mua củ đậu với giá 7.000-8.000 một kg vào đầu mùa, 5.000 đồng một kg vào cuối mùa. Nhưng năm nay, đường vào thôn làng vắng vẻ, không một bóng ôtô tải.
Ven đường, nông dân dùng xe rùa chở củ đậu mới thu hoạch trong ruộng ra tập kết để bán lẻ. “Năm nay giá chỉ còn 1.500 đồng một kg củ đậu. Giá hạ xuống đáy, nhưng người mua rất ít và chỉ mua loại lớn”, ông Tư nói.
Gia đình ông Tư trồng 10 sào (mỗi sào 500 m2) củ đậu, sản lượng 20 tấn, nhưng mới chỉ bán được một tấn, số còn lại, nhiều lần ông nhổ lên rồi đổ cho bò ăn. “Nhưng bò ăn mãi cũng ớn vì củ đậu rất mát”, ông nói.
Ông Nguyễn Sáu, trồng 8 sào củ đậu, nói tiền giống khoảng 500.000 đồng một kg, cùng phân bón, công chăm sóc, chi phí mỗi sào ông bỏ ra khoảng 5 triệu đồng. Sau 4-6 tháng trồng, mỗi sào củ đậu cho 2-3 tấn. Thông thường các năm, khi củ được giá, ông cùng các hộ khác sẽ lời khoảng 8-9 triệu một sào.
Năm nay đậu ế, ông Sáu đành đào hố sâu 2 m chôn xuống, rồi dùng cuốc đập để củ không nẩy mầm. “Chờ mãi không có người mua nên phải tiêu hủy, lấy đất trống để trồng lạc”, ông Sáu nói.
Theo ông Nguyễn Tấn Việt, Chủ tịch UBND xã Đức Thắng, củ đậu là cây trồng truyền thống ở địa phương, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong mùa mưa lũ, vì nhiều vùng trồng rau củ khác thường bị ngập úng.
Tuy nhiên, năm nay mưa lũ ít, lượng rau củ các nơi khác cung ứng ra thị trường nhiều nên củ đậu ở địa phương ít người mua. Thêm nữa, những năm trước các tỉnh miền nam thường nhập củ đậu ở xã, nhưng nay nhiều nơi ở miền nam người dân trồng giống này rất nhiều, thương lái phía nam không còn ra Quảng Ngãi mua do tốn chi phí, mất lợi thế cạnh tranh về giá.
“Để giải quyết khó khăn trước mắt cho nông dân, xã đã nhờ Hội Nông dân tỉnh kêu gọi, bán giúp 300 tấn, người dân bán lẻ khoảng 100 tấn, còn 900 tấn vẫn tồn ứ”, ông Việt nói.