Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) vừa ký ban hành Kế hoạch Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Thời gian triển khai từ nay đến hết ngày 29/2/2024.
Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình kinh tế thế giới vẫn khó khăn, có tính bất định cao, diễn biến phức tạp, nhanh chóng cùng nhiều yếu tố mới, bất ngờ, xuất hiện cả rủi ro trong ngắn hạn và dài hạn. Mặc dù hiện nay, tình hình an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam ổn định, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, được dư luận quốc tế và nhân dân ghi nhận, nhưng nhiều yếu tố bất lợi bên ngoài vẫn ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam.
Các chuyên gia dự báo: Tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, gian lận thương mại và hàng giả đối với các mặt hàng cấm (như ma túy, pháo nổ, vật liệu nổ,…) và hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng thường gia tăng, diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, hiện đại hơn trên các tuyến, lĩnh vực, nhất là tuyến biên giới đất liền, vùng biển, cảng hàng không quốc tế và địa bàn nội địa trọng điểm trong cả nước.
Để chủ động kiểm soát tình hình, Ban Chỉ đại (BCĐ) 389 Quốc gia đã ban hành Kế hoạch nhằm tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương chủ động, kịp thời kiểm soát tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thường xuyên trao đổi, chia sẻ, thông tin, phối hợp kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh, bắt giữ, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu, vùng biển; hoạt động gian lận thương mại, trốn thuế; hành vi…
Theo đó, BCĐ 389 Quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 theo lĩnh vực, địa bàn quản lý, phụ trách.
Chủ động phương án bố trí lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới; cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển, đường hàng không và các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới để ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá vào nội địa; trong đó tập trung vào hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng nhập khẩu có điều kiện, hàng thuế suất cao, hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán…
Chủ động nắm chắc diễn biến tình hình; nhận diện phương thức, thủ đoạn mới về hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xác định tuyến, địa bàn, đối tượng, mặt hàng trọng điểm để tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đấu tranh; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát lĩnh vực, địa bàn.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa có nhu cầu cao phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; trong đó tập trung kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok…) mua, bán trực tuyến… kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh để mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ…